Tuyên truyền vận động bài trừ biến tướng của tục 'bắt vợ'

Chiều 22/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các cơ quan có liên quan tổ chức Tọa đàm việc thực hiện công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, vận động bài trừ biến tướng của tục 'bắt vợ' ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, cũng như cơ quan quản lý Nhà nước khẳng định: “Kéo vợ” (hay “bắt vợ”, “kéo dâu”, “trộm vợ”) là một phong tục có từ lâu đời, gắn với tập quán kết hôn của một số đồng bào dân tộc như Mông, Dao, Thái… Tục “kéo vợ” theo đúng truyền thống chỉ có thể xảy ra khi cô gái nhận lời yêu và cho phép. Phong tục “kéo vợ” tôn trọng nguyên tắc hôn nhân tự nguyện đã được ghi nhận trong Luật hôn nhân và gia đình.

Hình ảnh chiến sĩ công an ngăn cản hành vi "bắt vợ". Ảnh: MXH.

Hình ảnh chiến sĩ công an ngăn cản hành vi "bắt vợ". Ảnh: MXH.

Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội đã có thông tin phản ánh về sự việc “bắt vợ” diễn ra tại một số địa bàn tỉnh miền núi phía Bắc. Sự việc này nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và nhân dân cả nước. Vụ việc biến tướng của tục “bắt vợ” chủ yếu xảy ra ở các cộng đồng dân cư điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, tập tục “kéo vợ” đã không còn phổ biến, thậm chí không còn tồn tại trong cộng đồng các dân tộc Dao, Thái. Mặc dù những biến tướng trong tục “kéo vợ” đã giảm khá nhiều so với trước, nhưng vẫn tồn tại ở một số hình thức chính như tảo hôn, cưỡng ép hôn nhân.

Điều này có thể dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật như cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bắt giữ người trái luật, hiếp dâm…

Nguyên nhân cơ bản khiến cho tình trạng này chưa thể xóa bỏ hoàn toàn là do nhận thức chưa đầy đủ về phong tục, tập quán của một bộ phận thanh thiếu niên dân tộc thiểu số; Xu hướng kết hôn sớm ở đồng bào Mông còn khá phổ biến và thậm chí có tình trạng nể nang trong công tác quản lý ở địa phương. Vì vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức để bài trừ những biến tướng của tục “bắt vợ”.

Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an cho biết: “Chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng các hình thức, thông qua các cơ sở, già làng, người uy tín, rồi thông qua luật tục, hương ước và phát huy được vai trò của đoàn thể để làm công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính, giáo dục phong tục tập quán. Chúng ta làm công tác tuyên truyền, vận động dưới các hình thức rồi mà các trường hợp vẫn tiếp tục vi phạm thì chúng ta phải sử dụng giải pháp hình thức là phải xử lý”.

Tọa đàm việc thực hiện công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số.

Tọa đàm việc thực hiện công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số cần được bảo tồn, giữ gìn, nhưng những gì biến tướng, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội thì cần bài trừ để giảm các nguy cơ cho phụ nữ: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật về hôn nhân, gia đình. Thực hiện hiệu quả các biện pháp ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ các biến tướng của tục “bắt vợ”. Ban hành chế tài xử phạt đủ mạnh để hạn chế tình trạng vi phạm nếp sống văn minh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên để gia đình, người thân vi phạm. Xác định trách nhiệm cho người đầu các đơn vị để xảy ra tình trạng “kéo vợ”./.

Minh Hường/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tuyen-truyen-van-dong-bai-tru-bien-tuong-cua-tuc-bat-vo-post938988.vov