Tuổi thanh xuân ý nghĩa

Trong hành trình gần 10 năm gắn bó với công tác thiện nguyện, thầy giáo trẻ Dương Hoàng Hiển (sinh năm 1993, hiện đang dạy môn Tiếng Anh tại Trung tâm Ngoại ngữ Catec, TP Cà Mau) đã mang nụ cười đến với rất nhiều mảnh đời bất hạnh, là nhịp cầu kết nối những trái tim ấm áp, lan tỏa yêu thương bằng những việc tử tế...

Mỗi người đều có cho riêng mình một lý tưởng sống, với anh Hiển, lý tưởng sống của bản thân là làm được nhiều việc thiện, lan tỏa yêu thương. Từ thời điểm mới tốt nghiệp cao đẳng, anh đã bắt đầu tham gia cùng một nhóm từ thiện tại tỉnh thực hiện các chương trình an sinh cho trẻ em vùng sâu, vùng xa. Sau mỗi chuyến đi, chứng kiến những khó khăn, cơ cực của người dân ở những nơi mình đi qua, càng thôi thúc bản thân anh phải làm gì đó để giúp đỡ cộng đồng. Và cứ thế, đam mê làm công tác thiện nguyện lớn dần lên trong trái tim của thầy giáo trẻ...

Anh chia sẻ: “Những năm trước, tôi hay làm công tác này cùng với nhóm bạn của mình. Nhưng lâu dần, có người chuyển công tác đến nơi khác, có những bạn vướng bận công việc gia đình nên không thường xuyên làm cùng nhau nữa. Và thế là tôi một mình tự làm theo sức của mình”.

Trao tặng dây chạy thận là hoạt động anh Hiển và mẹ duy trì mỗi tháng trong hơn năm qua.

Cứ thế, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Hiển đã dành 10 năm thanh xuân cho những chương trình thiện nguyện. Trong suốt những năm qua, anh đã trích một phần lương từ việc đi dạy và tự mình vận động, quyên góp để tặng quà Trung thu cho các em nhỏ lang thang cơ nhỡ, các cụ già có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động vui chơi và tặng quà các em nhỏ ở lớp học tình thương, các địa bàn vùng sâu, vùng xa nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6; tham gia những tour thiện nguyện, dạy chữ cho trẻ em vùng cao...

Và đặc biệt, những việc làm thầm lặng của anh đã đem đến niềm vui cho các bệnh nhân ở “xóm chạy thận” tại TP Cà Mau.

Anh sinh ra và lớn lên ở khu phố mà người dân hay gọi là “xóm chạy thận” (Khóm 6, Phường 6, TP Cà Mau). Gọi là "xóm chạy thận" bởi khu vực này có rất nhiều bệnh nhân chạy thận đến thuê trọ, vì gần bệnh viện, tiện cho việc điều trị bệnh. Anh từng chứng kiến nhiều người còn rất trẻ đã phải mang căn bệnh này, một thân một mình chống chọi với bệnh tật. Nhiều người lớn tuổi sống ở xóm trọ này để chạy thận và ra đi cũng trong chính căn trọ nhỏ bé, ọp ẹp đó... Hơn ai hết, anh hiểu rõ nỗi cơ cực, đau đớn và khó khăn của những bệnh nhân ở xóm chạy thận, vì thế, trong hành trình thiện nguyện của mình, anh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với họ. “Dù có đi từ thiện ở đâu thì nơi mà luôn dành phần nhiều nhất vẫn là xóm chạy thận này. Ví dụ như dịp tết Trung thu hay lễ, tết Nguyên đán, những phần quà bánh vận động được, tôi đều trích ra để đem về cho các cô chú ở đây”.

“Xóm chạy thận” này vẫn thường xuyên được các nhà hảo tâm đến giúp đỡ, bằng việc trao tặng nhu yếu phẩm như gạo, mì gói hay cơm. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân thận, với tần suất chạy thận 3 lần/tuần và cứ lặp đi lặp lại liên tục, ngoài nhu yếu phẩm hằng ngày thì vật không thể thiếu là bộ dây để chạy thận. Ða số bệnh nhân ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, công việc chủ yếu là bán vé số, nhặt ve chai... nên không có thu nhập cố định. Khi nào khỏe thì họ tỏa đi kiếm việc làm, tới ngày lại về chạy thận, tiền kiếm được chỉ đắp đổi qua ngày. Mỗi lần đến ngày chạy thận, họ lại không thể đi kiếm tiền, nên với họ, bộ dây chạy thận có giá 50 ngàn đồng cũng là một khó khăn. Thấu hiểu và chia sẻ, hơn năm nay, cứ 1-2 lần mỗi tháng, anh Hiển lại trích lương và vận động để mua tặng dây chạy thận cho các cô chú ở đây. Mỗi người sẽ nhận được 3 bộ dây cho một tuần chạy thận của mình.

Hành trình làm việc thiện, ngoài trích tiền lương, anh Hiển còn nhận được sự đồng hành, góp sức từ bạn bè thân thiết, các anh chị em trong nhà và đặc biệt là từ mẹ của anh. Anh chia sẻ, mẹ sẽ là người đi tìm hiểu xem có bao nhiêu người cần dây chạy thận, rồi mẹ con cùng vận động, quyên góp.

Anh Hiển trong chuyến thiện nguyện đến với các em nhỏ vùng cao ở huyện Ðắk Glong, tỉnh Ðắk Nông.

“Sống là cho đi, đâu chỉ nhận riêng mình”, anh Hiển đã ghi nhớ lời dạy này của mẹ trong suốt hành trình thiện nguyện của mình. Trong cuộc trò chuyện, anh dành phần lớn thời gian để nói về những khó khăn của cô chú ở xóm chạy thận chứ chẳng hề nói nhiều về bản thân mình. Hiện lên trên từng câu nói, nét mặt và ánh mắt của thầy giáo trẻ là những băn khoăn, day dứt vì cảm thấy bản thân mình vẫn chưa làm được nhiều cho các bệnh nhân chạy thận, cho các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa trên mảnh đất quê hương.

Mong rằng, ngọn lửa nhân ái sẽ vẫn tiếp tục cháy cùng những bước chân của thầy giáo trẻ, tiếp tục vẽ nên những nét vẽ thật đẹp trong hành trình thiện nguyện của mình./.

Vân Anh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tuoi-thanh-xuan-y-nghia-a32505.html