Tuần tệ hại của dầu

Dầu thô thế giới đang hướng tới mức giảm tuần 5%. Bất chấp đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc - nước mua dầu thô hàng đầu, lực bán vẫn lấn át thị trường này.

Giá dầu trượt dài bất chấp những tín hiệu phục hồi của kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu Brent (chuẩn toàn cầu) sắp kết thúc tuần này với mức giảm 5%. Tính đến 18h ngày 10/3 (giờ Việt Nam), loại hàng hóa này được giao dịch quanh mức 81 USD/thùng, giảm mạnh so với 24 giờ trước đó.

Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng hơn 2 tuần của giá dầu Brent. Trong khi đó, dầu WTI chuẩn Mỹ đã rơi xuống dưới ngưỡng 75 USD/thùng.

Đà tăng trưởng của thị trường dầu đã bị chặn đứng trong tuần này, sau động thái mới nhất từ phía chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Hôm 7/3, giá dầu có lúc vọt lên gần 87 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất 3 tuần.

Hôm 7/3, giá dầu có lúc vọt lên gần 87 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất 3 tuần. Ảnh: Trading Economics.

Đà tăng bị chặn đứng

Thời điểm đó, giá của mỗi thùng dầu đã tăng gần 7 USD so với mức thấp trong vòng một tháng (80,4 USD/thùng hôm 23/2). Nhưng đà tăng nhanh chóng đảo ngược sau bài phát biểu được chuẩn bị sẵn của Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Trước đó, giá dầu tăng cao nhờ kỳ vọng về việc nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi, và Fed sẽ nâng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào cuối tháng này, sau đó tăng tiếp 2 lần nữa rồi dừng hẳn.

Nhưng mọi hy vọng đã tiêu tan sau bài phát biểu của ông Powell. Trong đó, ông cảnh báo rằng nếu dữ liệu vẫn còn nóng, lãi suất cực đại sẽ vượt dự báo trước đó và bước nhảy lãi suất mỗi đợt cũng cao hơn 0,25 điểm phần trăm.

Câu hỏi không phải là có một cuộc suy thoái hay không, mà là thời điểm sẽ xảy ra suy thoái

Chuyên gia kinh tế trưởng Steven Blitz của TS Lombard

Đến nay, các thị trường tin rằng Fed sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tháng 3. Còn lãi suất cực đại có thể vọt lên gần 5,75%.

Lãi suất điều hành của Mỹ tăng cao có thể tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu toàn cầu, thậm chí đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào suy thoái.

"Hoặc là một cuộc suy thoái sẽ xảy ra vào giữa năm với lãi suất đạt 5,5% ở cuối chu kỳ tăng; hoặc những dữ liệu trong tháng 1 phản ánh đúng xu hướng, Fed buộc phải mạnh tay hơn và đẩy lãi suất lên 6,5%, trước khi mọi thứ thực sự chậm lại", chuyên gia kinh tế trưởng Steven Blitz của TS Lombard cảnh báo.

"Vì vậy, câu hỏi không phải là có một cuộc suy thoái hay không, mà là thời điểm sẽ xảy ra suy thoái. Chúng ta càng mất nhiều thời gian để đi tới thời điểm đó, lãi suất sẽ càng cao", ông Blitz lập luận.

Yếu tố hỗ trợ không đủ mạnh

Trong năm ngoái, các đợt tăng lãi suất liên tục của Fed đã đè nặng lên thị trường dầu, sau khi giá của loại hàng hóa này tăng vọt do xung đột Nga - Ukraine và những lệnh trừng phạt từ phía phương Tây áp lên ngành năng lượng của Nga.

Đến nay, các đòn trừng phạt qua lại vẫn gây sức ép lên nguồn cung dầu. Kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu một cách mạnh tay của Nga - nhằm trả đũa lệnh trừng phạt từ phía phương Tây - cũng được cho là sẽ đẩy giá dầu lên cao.

Các gián đoạn về nguồn cung sẽ càng trở nên trầm trọng khi nhu cầu của Trung Quốc - nước mua dầu hàng đầu thế giới - bật tăng.

Vài ngày sau bài phát biểu của ông Powell, giá dầu vẫn trượt dài. Ảnh: Trading Economics.

Giới phân tích chỉ ra rằng việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu trong tháng 2 là dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu đang phục hồi tại đất nước 1,4 tỷ dân, sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ những biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 gắt gao.

Nhưng mọi dấu hiệu này đang bị lấn át bởi nguy cơ suy thoái do lãi suất của Mỹ tăng vượt dự kiến. Dĩ nhiên, Fed vẫn có thể bớt quyết liệt hơn nếu các dữ liệu tiếp theo cho thấy lạm phát đã quay về xu hướng giảm.

Ông Powell khẳng định sẽ theo dõi một loạt dữ liệu quan trọng sắp tới. Báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ sắp được công bố hôm 10/3 (giờ Mỹ). Theo sau đó là chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất tháng 2.

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuan-te-hai-cua-dau-post1410798.html