Tư vấn, phản biện về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực tỉnh Bắc Giang

Ngày 30/10, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo khoa học tư vấn, phản biện báo cáo tổng kết thực tiễn quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực của tỉnh Bắc Giang từ năm 2010 đến nay.

Đồng chí Ngô Chí Vinh chủ trì hội thảo.

Đồng chí Ngô Chí Vinh chủ trì hội thảo.

Đồng chí Ngô Chí Vinh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì hội thảo. Tham gia tư vấn, phản biện có các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.

Dự thảo báo cáo có 2 phần chính gồm: Công tác tuyên truyền tổng kết thực tiễn quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực của tỉnh; kết quả, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.

Theo đánh giá của các đại biểu, khác với báo cáo tổng kết thông thường, đây là báo cáo tổng kết thực tiễn, yêu cầu hàm lượng khoa học cao, nội dung đề tài khó. Báo cáo cần bổ sung nội dung nghiên cứu đường lối, chủ trương của Đảng, Trung ương về công tác đào tạo, sử dụng nhân lực. Từ đó thấy được kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về vấn đề này.

Báo cáo chưa xây dựng được khung lý luận, cần định nghĩa rõ nội hàm nguồn nhân lực, qua đó mới biết nghiên cứu cái gì? Chất lượng nguồn nhân lực là gì? Thế nào là nhân lực chất lượng cao? Nếu không làm rõ các vấn đề trên thì không thể đánh giá về tác động của chủ trương, chính sách trong đời sống.

Đặc biệt, hiện nay các nhà đầu tư khi đến tỉnh Bắc Giang khảo sát rất quan tâm đến nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là vấn đề liên quan đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số của tỉnh.

Báo cáo cũng chưa đưa ra các dự báo về công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực của tỉnh vì vậy không thể đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

TS Hoàng Kim Ngọc phát biểu tư vấn, phản biện.

TS Hoàng Kim Ngọc phát biểu tư vấn, phản biện.

Theo TS Hoàng Kim Ngọc, nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), báo cáo cần bám vào nội dung đào tạo và sử dụng lao động. Ngoài việc đào tạo trong tỉnh, cần đề cập đến việc đưa nguồn lao động đi đào tạo trong nước và ở nước ngoài. Chính sách đưa người lao động đi học, sau đó trở về phục vụ địa phương chưa được đề cập, đánh giá cụ thể.

Việc chưa có mốc thời gian trước năm 2010 để so sánh nên không có chỉ tiêu làm cơ sở đánh giá kết quả từ năm 2010 đến nay. Trong thời gian hơn 10 năm qua, nhu cầu nguồn nhân lực ra sao, công tác đào tạo có đáp ứng được chưa? Cần thu hút nhân tài từ bên ngoài không? Để đáp ứng yêu cầu thì giữa người sử dụng nhân lực và cơ sở đào tạo cần liên kết như thế nào?

Theo Kỹ sư Ngô Quang Tuyên, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thì chủ đề đặt ra là tổng kết cả hai nhiệm vụ đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, nhưng báo cáo chỉ tập trung cho nội dung đào tạo mà không đề cập đến nội dung sử dụng nguồn nhân lực. Vì vậy dự thảo báo cáo không tạo ra bức tranh tổng thể công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

Một số ý kiến cho rằng nên chia báo cáo thành 3 phần, phân tích theo chiều ngang; đưa ra các giải pháp thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Việc phân luồng đào tạo cũng cần được quan tâm nhằm tránh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Phát biểu kết luận, đồng chí Ngô Chí Vinh đánh giá cao ý kiến tham luận của các đại biểu. Đây là những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn. Sau khi tiếp thu các ý kiến của đại biểu, đồng chí đề nghị tổ soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Tin, ảnh: Trung Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/khoa-hoc-cong-nghe/414163/tu-van-phan-bien-ve-dao-tao-su-dung-nguon-nhan-luc-tinh-bac-giang.html