Tự hào màu cờ đỏ thắm bay trên cầu Hiền Lương

Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (tỉnh Quảng Trị) rực rỡ sắc cờ Tổ quốc trong ngày 30/4. Lễ thượng cờ Thống nhất non sông kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) rực màu cờ son.

Ngày 30/4, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2024).

Cầu Hiền Lương, nỗi đau chia cắt đã trở thành khát vọng hòa bình

Để đất nước Việt Nam có hòa bình, độc lập, thống nhất, hàng triệu người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống để hôm nay Quảng Trị trở thành mảnh đất linh thiêng, nơi an nghỉ của hàng vạn người con từ khắp mọi miền của Tổ quốc và là điểm đến của khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam và Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc, để hai năm sau sẽ tiến hành cuộc Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Nhưng, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai với âm mưu độc chiếm miền Nam, đã tráo trở xé bỏ Hiệp định, thực hiện đàn áp tàn bạo cách mạng miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt ở miền Bắc.

Hiền Lương - con sông hiền hòa chảy giữa lòng Quảng Trị thân thương bỗng chốc trở thành nhát dao cứa vào lòng đất mẹ, chia cắt đất nước.

Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam; là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất giữa ta và địch. Trong cuộc đối đầu đó, đế quốc Mỹ và các thế lực tay sai đã thực hiện cuộc chiến tranh hủy diệt với hàng chục vạn tấn bom đạn, chất độc hóa học, cùng các chiến lược chiến tranh thâm độc nhằm đưa Quảng Trị trở thành "Vành đai trắng".

Nhưng bằng ý chí kiên cường, lòng quả cảm và niềm tin sắt son với Đảng, với cách mạng, vượt lên mọi đau thương mất mát, tàn khốc của cuộc chiến tranh, quân và dân Quảng Trị đã kiên cường, bất khuất, anh dũng bám trụ đánh địch với quyết tâm "Một tấc không đi, một ly không rời".

Màu cờ đỏ thắm trên kỳ đài Hiền Lương hôm nay.

Trong suốt những năm tháng ấy, lá cờ trên kỳ đài Hiền Lương nơi đầu cầu giới tuyến vẫn kiêu hãnh tung bay, trở thành niềm tin và ý chí thống nhất của đồng bào hai miền Nam - Bắc.

Niềm tin ấy, ý chí ấy đã biến thành sức mạnh to lớn để quân và dân Quảng Trị cùng cả nước đồng lòng sát cánh, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, anh dũng chiến đấu, hy sinh, lập nên những chiến công oanh liệt; góp phần cùng cả nước "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Chúng ta đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Nam – Bắc sum họp một nhà; cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng và phát triển.

Ngày hội thống nhất non sông cùng màu cờ đỏ thắm ở Quảng Trị.

Còn đó di tích mang khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Màu cờ đỏ thắm luôn hiện diện trên cầu Hiền Lương. Ảnh: Trúc Hà

Kỳ đài Hiền Lương, nơi lá cờ luôn được treo cao - là niềm tin cho đồng bài miền Nam trong suốt những năm bị chia cắt. Ảnh: Trúc Hà

Lễ Thượng cờ mang khát vọng hòa bình, thịng vượng cho muôn đời sau ở bên cầu Hiền Lương sáng 30/4/1975.

Tượng đài chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang bảo vệ giới tuyến - công trình nằm trong khuôn viên Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Ảnh: Trúc Hà

Tượng đài Thống nhất ở bờ Nam cầu Hiền Lương. Ảnh: Trúc Hà

Hà Phong

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/tu-hao-mau-co-do-tham-bay-tren-cau-hien-luong-179240430140828685.htm