Từ năm 2015 đến nay, Long An xử phạt gần 21.000 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường thủy

Báo cáo với đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật giao thông, UBND tỉnh Long An thông tin, từ năm 2015 đến nay, Cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh xử phạt gần 21.000 trường hợp vi phạm trên lĩnh vực đường thủy nội địa.

Từ 2015 đến nay, Cảnh sát giao thông đã phát hiện xử lý vi phạm gần 21.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An - Nguyễn Thành Ngoãn, từ 2015 đến hết nay, lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra đối với trên 1.600 lượt bến thủy nội địa, gần 400 phương tiện vận chuyển hành khách. Qua đó, phát hiện lập biên bản vi phạm gần 130 bến thủy nội địa, đình chỉ hoạt động gần 160 bến không bảo đảm điều kiện hoạt động, nhắc nhở hướng dẫn trên 160 phương tiện thủy về đăng ký, đăng kiểm và không được neo đậu phương tiện lấn chiếm luồng tàu chạy trên các tuyến đường thủy.

Mặt khác, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên các tuyến đường thủy nội địa. Từ đây, phát hiện xử lý vi phạm gần 21.000 trường hợp; ra quyết định xử phạt với số tiền trên 36,2 tỉ đồng.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Ngoãn, từ năm 2015 đến nay 2023, toàn tỉnh xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 34 người, bị thương 3 người.

Gần đây, làm việc với đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật giao thông, tỉnh Long An cho biết, qua triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa thời gian qua ở địa bàn tỉnh vẫn cho thấy còn một số hạn chế, bất cập.

Đó là việc tạm giữ phương tiện vi phạm và hạ tải đối với phương tiện vi phạm chở hàng vượt quá dấu mớn nước an toàn còn gặp khó khăn, chưa xử lý được. Tuy có phân cấp công tác đăng ký phương tiện theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải và tổ chức quản lý phương tiện được miễn đăng ký (theo quy định tại khoản 8, Điều 25 Luật Giao thông đường thủy nội địa), nhưng đến thời điểm hiện tại có rất ít phương tiện cỡ nhỏ được đăng ký, quản lý các huyện, thị xã thuộc tỉnh. Từ đó, dẫn đến việc xử lý vi phạm hành chính về đăng ký, đăng kiểm và chứng chỉ lái phương tiện đối với người điều khiển phương tiện thủy cỡ nhỏ hết sức khó khăn.

Nguyên nhân là vì hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa bố trí bến thủy Công an nhân dân và kho lưu trữ, hạ tải tang vật vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện vi phạm nên khó khăn trong việc “đưa lên khỏi phương tiện số hàng hóa vượt quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện”.

Đồng thời, phương tiện vi phạm tải trọng lớn đang lưu thông trên sông, phụ thuộc con nước, triều cường và thời tiết nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, thất thoát tài sản người dân; người và phương tiện tham gia giao thông không có giấy tờ nên rất khó khăn trong việc áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính (tạm giữ phải có phương tiện kéo, dắt phương tiện tạm giữ về bến bãi, hạ tải hàng hóa,…).

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông đường thủy nội địa chưa cao, nhất là người dân sử dụng phương tiện cỡ nhỏ để vận chuyển vật tư, đi lao động sản xuất./.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tu-nam-2015-den-nay-long-an-xu-phat-gan-21-000-truong-hop-vi-pham-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-thuy-a175984.html