TS. Cấn Văn Lực: 'Không cần lo doanh nghiệp thiếu vốn'

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh: 'Vốn cho doanh nghiệp không phải vấn đề đáng lo ngại'.

TS. Cấn Văn Lực

Theo TS. Cấn Văn Lực cho hay hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới chỉ giải ngân được 1/3 vốn, điều này cho thấy quá trình cung ứng vốn ra nền kinh tế đang bộc lộ nhiều vấn đề.

- Góc nhìn của ông đối với bức tranh kinh tế quý I/2024?

Kinh tế quý I/2024 rõ ràng là tốt hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt thời điểm dịch bệnh 2020 - 2021. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Cụ thể, về động lực tăng trưởng trong quý I, cơ bản các khu vực kinh tế: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phục hồi tương đối tích cực nhưng chưa thể bằng thời điểm trước đại dịch Covid 19.

Ví dụ, về dịch vụ, một số lĩnh vực phục hồi không đồng đều như: lưu trú, ăn uống, bán lẻ. Cụ thể hơn, liên quan đến bán lẻ, mức tăng trưởng trên 8% là danh nghĩa còn thực tế chỉ tăng 5%, con số này mới chỉ bằng 60% so với mức tăng thông thường (10% - 12%) của lĩnh vực bán lẻ.

Đối với đầu tư tư nhân, đối chiếu với mức tăng bình quân cả năm 2023 gần 2,7%, trong đó quý I/2023 là 1,3%, có thể thấy với mức tăng trưởng 4,2% trong quý I/2024 đã là một sự cải thiện đáng kể. Điều đó cho thấy dòng vốn đầu tư tư nhân đang phục hồi dẫu vẫn còn thấp so với giai đoạn trước đại dịch. Trước đại dịch, thông thường vốn đầu tư tư nhân bình quân tăng 8% - 8,5%, như vậy rõ ràng chúng ta phải tiếp tục kích cầu đầu tư tư nhân mạnh mẽ hơn nữa.

Dấu hiệu phục hồi còn thể hiện rõ ở lĩnh vực xây dựng khi quý I/2024 tăng trưởng 6,83%, riêng bất động sản tăng 1,7% so với mức tăng trưởng âm cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sự phục hồi này không đồng đều, một là giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, hai là bản thân từng khu vực khác nhau cũng phục hồi khác nhau.

Quá trình phục hồi kinh tế sẽ thực sự diễn ra bền vững khi kinh tế tư nhân phục hồi chắc chắn.

- Vì sao lại là kinh tế tư nhân?

Khu vực kinh tế tư nhân có vai trò rất quan trọng. Thứ nhất, khoảng 50% GDP của Việt Nam đến từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước, trong đó riêng kinh tế tư nhân đóng góp tới 46% GDP. Thứ hai, khu vực này tạo ra khoảng 85% việc làm. Thứ ba, thu ngân sách từ khu vực này chiếm 18% - 19% tổng thu ngân sách. Đặc biệt, riêng về nguồn vốn đầu tư, kinh tế tư nhân chiếm tới 58% - 59% tổng lượng vốn đầu tư toàn xã hội. Nếu khu vực này vốn tăng thấp, chứng tỏ rằng ở đâu đó vốn của chúng ta bị ách tắc, nhà đầu tư vẫn chưa xuống tiền.

- Nhưng kinh tế tư nhân đang gặp khó về vốn?

Vốn cho doanh nghiệp không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tôi cũng khẳng định là chúng ta không thiếu tiền cho doanh nghiệp bởi hiện nay chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới chỉ giải ngân được 1/3 vốn. Điều này cho thấy chúng ta đã có tiền, đã bố trí vốn chỉ là quá trình thực thi chưa được tốt mà thôi.

Nhiều người lo ngại khi tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm âm. Nhưng ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng đây không phải là vấn đề lớn, bởi một phần là do yếu tố chu kỳ trước và sau Tết, hai là do văn hóa kinh doanh của chúng ta và ba là sức cầu và hấp thụ đang phục hồi.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã cập nhật số liệu, cho thấy tín dụng đang dư trở lại, tăng 0,26% tính đến ngày 25/3. Như vậy, tín dụng trong tháng 3 đã tăng thêm 1%. Đặc biệt thời gian qua khi thị trường bất động sản bắt đầu ấm trở lại, đã có một bộ phận người dân đi vay tiền ngân hàng với lãi suất tương đối tích cực từ 9% - 10%. Đối với những dòng vốn khác, chúng tôi tính tổng lại 1 năm vào khoảng 800 nghìn tỷ đồng đến 1 triệu tỷ đồng cho các phân khúc bao gồm: đầu tư kinh doanh bất động sản và vay để mua nhà. Rõ ràng đây là một lượng tiền tương đối lớn.

Nhìn chung, tín dụng đang phục hồi và mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 14% năm nay là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn từ quý II trở đi, dòng vốn tín dụng sẽ chảy đều hơn qua các tháng để bớt đi hiện tượng dồn dập dịp cuối năm.

Tôi chỉ lưu ý với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chúng ta phải sớm phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi đây là dòng vốn trung và dài hạn vô cùng quan trọng cho doanh nghiệp. Theo số liệu 2 tháng đầu năm vừa qua, lượng trái phiếu phát hành khoảng 17.500 tỷ đồng, trong khi trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 ước tính khoảng 240.000 tỷ đồng, doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 42%, cho thấy thị trường vẫn còn nhiều khó khăn và cần thời gian để hồi phục. Tôi rất mong Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP để thúc đẩy phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại.

- Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động, ông có kiến nghị gì để doanh nghiệp yên tâm xuống tiền đầu tư?

Năm nay, theo tôi, vấn đề giải quyết tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đề ra từ 6% - 6,5% là hoàn toàn khả thi. Với điều kiện, thứ nhất, chúng ta phải tập trung phát huy tốt những động lực tăng trưởng truyền thống như: xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân. Thứ hai, cần phát huy tốt hơn nữa động lực tăng trưởng mới liên quan đến xanh hóa, số hóa, khoa học công nghệ và đặc biệt là liên kết vùng.

Về thể chế, chính sách chúng ta phải giải quyết 3 việc. Một là, những vướng mắc, ách tắc trong thời gian vừa qua chúng ta phải sớm giải quyết rốt ráo. Theo đó, cần tập trung ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý và khẩn trương ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn đồng bộ các luật vừa được Quốc hội thông qua để đảm bảo hiệu lực thực thi; sớm ban hành thể chế, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng.

Hai là, đẩy mạnh triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm; chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn; tập trung phục hồi và phát triển lành mạnh, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và thị trường vàng.

Ba là, cần nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách, trong đó đặc biệt là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, từ đó thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội.

Ngoài ra, tôi mong muốn năm nay chúng ta phải đột phá hơn về câu chuyện liên quan đến thái độ, chất lượng dịch vụ của công chức. Chúng ta đã bàn luận nhiều trong 2 năm vừa qua nhưng chưa có đột phá và tôi cũng kiến nghị cần phải luật hóa, đảm bảo cán bộ, công chức yên tâm hơn thực thi công vụ.

Huyền Trang

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ts-can-van-luc-khong-can-lo-doanh-nghiep-thieu-von-20180504224297942.htm