Truyền thông tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai hiện đại

Để thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), ngành y tế huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đẩy mạnh hoạt động tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai hiện đại. Qua đó, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tránh thai của mọi người dân, thực hiện mục tiêu giảm sinh, chỉ tiêu sử dụng các biện pháp tránh thai tại địa phương.

Việc tiếp thị các phương tiện tránh thai hiện đại đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần chuyển dần ý thức người dân từ bao cấp sang tự bỏ tiền ra thực hiện KHHGĐ. “Thời gian qua, những chính sách về DS-KHHGĐ được địa phương duy trì vận động đến tất cả đối tượng, phương châm “Mưa dầm thấu lâu”, truyền thông từ trực tiếp tới gián tiếp” - BS.CKII Nguyễn Thị Sương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn cho biết.

Khi đến Trung tâm Y tế huyện, trạm y tế cấp xã khám bệnh, người dân sẽ được truyền thông trực tiếp. Tại các buổi họp hội, địa phương lồng ghép truyền thông chính sách DS-KHHGĐ; truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, băng-rôn. Dần dần người dân ý thức chỉ nên sinh 1 - 2 con để đảm bảo cuộc sống gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tốt hơn.

BS Nguyễn Thị Sương chia sẻ thêm: “Trước đây, các dịch vụ KHHGĐ được cung cấp miễn phí, như: Thuốc viên, bao cao su, đặt vòng, vận động đình sản... Thậm chí, những nơi có điều kiện còn đưa rước chị em đến cơ sở y tế đặt vòng, đình sản; đối với phương tiện đình sản còn có chế độ hỗ trợ cho phụ nữ.

Khoảng 5 năm trở lại đây, việc cung cấp phương tiện, dịch vụ tránh thai miễn phí chuyển dần qua xã hội hóa, vận động người dân đóng góp một phần, dần tiến tới đóng góp hoàn toàn hoặc cung cấp dịch vụ có trợ giá, rẻ hơn ngoài cộng đồng (bao cao su, thuốc viên tránh thai...).

Lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân

Tuy nhiên, việc vận động cũng gặp không ít khó khăn. Sau thời gian dài cấp phát miễn phí, quá trình vận động xã hội hóa chưa mang lại hiệu quả. Hộ gia đình khá giả sẵn sàng xã hội hóa, tích cực thực hiện, còn gia đình kinh tế khó khăn lại ngán ngại. Trước tình trạng đó, ngành y tế cố gắng tuyên truyền, vận động bà con thay đổi ý thức, chung tay xã hội hóa phương tiện, dịch vụ tránh thai, dần tiến tới trả 100% dịch vụ biện pháp KHHGĐ, góp phần thực hiện bền vững công tác DS-KHHGĐ thời gian tới.

Quá trình kiên trì vận động, thuyết phục đã cho kết quả khả quan. Nếu vài năm trước có gia đình sinh 5 - 6 con, thì gần đây sinh 1 - 2 con, rất hiếm gia đình sinh hơn 2 con. Đồng thời, dịch vụ KHHGĐ xã hội hóa dần được đông đảo bà con chấp nhận. Thời gian tới, ngành y tế huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động, giải thích, để bà con có ý thức hơn, chấp nhận các biện pháp tránh thai dịch vụ.

BS Thạch Thị Phượng, Trưởng trạm Y tế xã Vĩnh Phú cho biết: “Chúng tôi triển khai nhiều nội dung, phương pháp tuyên truyền, để chính sách DS-KHHGĐ đến tận người dân, mở rộng đối tượng tham gia. Hàng tháng, cán bộ, cộng tác viên xuống địa bàn tư vấn, giới thiệu sản phẩm, phương tiện tránh thai; vận động người dân tham gia tiếp thị xã hội hóa với nhiều hình thức, để thay đổi thói quen và hành vi, chấp nhận thực hiện phương tiện tránh thai hình thức xã hội hóa”.

Đội ngũ cán bộ y tế, cộng tác viên là lực lượng nòng cốt góp phần từng bước cung cấp dịch vụ tránh thai và triển khai biện pháp tránh thai, dịch vụ tránh thai hiện đại đạt chỉ tiêu hàng năm đề ra. Chỉ tiêu mỗi năm tuy khác nhau, nhưng với dân số hiện tại, địa phương cố gắng duy trì, thực hiện tốt để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Chị Nguyễn Thị Linh (ngụ xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn) chia sẻ: “Gia đình tôi có 1 con. Chưa có điều kiện sinh thêm, được trạm y tế tư vấn, tôi sử dụng thuốc viên tránh thai. Qua thời gian uống thuốc, tôi thấy sức khỏe vẫn tốt, yên tâm lao động, chờ kinh tế ổn định mới sinh thêm bé nữa”. Chị Nguyễn Thị Như (ngụ cùng địa phương) cũng bày tỏ: “Tôi sinh đủ 2 con, nhờ cán bộ tư vấn, tôi đặt vòng tránh thai, thấy rất thuận tiện, an toàn, an tâm”.

Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh An Giang, đơn vị chủ động đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến với mọi đối tượng có nhu cầu với phương châm an toàn, thuận tiện, chu đáo và thân thiện. Mạng lưới dịch vụ công lập từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố, phát triển.

Bên cạnh đó, chi cục triển khai tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai tới các huyện, thị xã, thành phố. Đây là cơ hội thuận lợi để người trong độ tuổi sinh đẻ tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ phù hợp nhất, góp phần nâng cao tỷ lệ người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/truyen-thong-tiep-thi-xa-hoi-phuong-tien-tranh-thai-hien-dai-a394303.html