Truyện ngắn: Biên cương hoa trắng

Bất chợt trong lòng Dũng hiện lên hình ảnh của rất nhiều năm sau nữa, anh cùng những đứa con của mình đứng trên điểm cao, nhìn xuống những bon làng bình yên giữa những vạt đồi cà phê bạt ngàn xanh ngát. Xung quanh bố con anh, hoa điềm thụy bung trắng một dải biên cương.

Ảnh minh họa

Hướng dẫn cho mấy đứa nhỏ học bài xong, chuẩn bị cho chúng đi ngủ, Dũng nhận lệnh đột xuất. Đơn vị cử một đội công tác vào bon Bu Rắk giúp bà con sơ tán. Con đường chạy dọc bon bỗng nhiên xuất hiện các vết nứt gãy gây nguy cơ sạt lở cao.

Khoác vội tấm áo mưa, dặn dò mấy đứa nhỏ soạn sách vở cho buổi học ngày mai rồi tắt đèn đi ngủ, Dũng vội vã lên đường. Tiếng lũ trẻ đồng thanh đáp lời Dũng trong phút giây như át đi tiếng mưa rả rích ngoài trời.

Ba anh em Y Quang là con nuôi của đồn Biên phòng. Bố mẹ của 3 đứa mất vì tai nạn giao thông, ông bà nội ngoại cũng không còn ai. Sau khi nhận mấy anh em làm con nuôi, đơn vị giao cho Dũng chăm sóc, giúp 3 anh em xây dựng nề nếp sinh hoạt cá nhân và học tập hàng ngày.

Ngoài các bố nuôi là cán bộ, chiến sĩ trong đồn, 3 anh em còn có mẹ nuôi là mẹ Thủy, vợ của Dũng. Thủy là giáo viên ngoài huyện, tháng nào cũng kỳ cạch làm ruốc, làm bánh gửi vào đơn vị cho mấy đứa nhỏ dù rằng sống cùng anh em trong đồn, mấy đứa chẳng thiếu thốn gì.

Hai vợ chồng Dũng kết hôn gần chục năm nay mà chưa có con. Đi khám, bác sĩ bảo cả hai vợ chồng đều bình thường. Chắc do công việc của Dũng cứ đi suốt, trực suốt, cả năm hai vợ chồng chỉ tranh thủ gặp nhau trong dịp Dũng được nghỉ phép.

Đơn vị của Dũng đóng quân cách nhà gần 100 cây số, một khoảng cách không gần nhưng cũng không hẳn là quá xa. Mấy năm dịch dã, cả năm, hai vợ chồng không được gặp nhau lấy một ngày. Thủy buồn nhưng chưa bao giờ trách móc mà giấu nỗi buồn một mình, động viên chồng cũng như tự động viên mình rằng con cái là lộc trời cho, chắc trời chưa thương nên hai vợ chồng chưa có đứa con để hủ hỉ sớm tối.

Lúc Dũng báo đơn vị giao cho anh chăm sóc mấy đứa con nuôi, Thủy vui lắm. Mỗi khi rảnh rỗi, Dũng tranh thủ gọi về nhà, Thủy đều đòi được nói chuyện, dặn dò mấy đứa nhỏ chịu khó học hành. Đợt nghỉ phép lần trước, Thủy cũng kêu Dũng xin phép đơn vị đưa mấy đứa về nhà.

Cuộc sống chưa mấy dư giả nhưng Thủy vẫn cố dành dụm mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới và mấy cuốn sách thiếu nhi mang vào đơn vị đọc, dẫn mấy đứa trẻ đi ăn kem. Thủy bảo, đấy là phần thưởng bố Dũng, mẹ Thủy tặng mấy đứa đã có thành tích học tập xuất sắc. Mỗi khi mệt mỏi, chỉ cần nghĩ đến Thủy và mấy đứa nhỏ, Dũng lại vượt qua hết.

***

Mưa lạnh như kim châm quất vào mặt. Trận mưa kéo dài cả tháng nay chưa dứt khiến nhiều đoạn đường bị sạt lở, xói mòn. Đến đầu con đường dẫn vào bon, xe ô tô không có cách nào vào được. Đội công tác phải xuống đi bộ mấy cây số.

Tiếng gió hun hút vọng về từ phía cánh rừng âm u hòa với tiếng thác và tiếng cuộn mình của dòng suối là ranh giới phân định với nước bạn khiến đêm biên giới càng trở nên hoang vắng. Cả đội bám theo nhau thành một hàng dọc, mọi giác quan căng lên như muốn xuyên qua màn đêm để nhanh chóng đến địa điểm người dân cần giúp đỡ.

Thi thoảng, một cậu lính trẻ trượt chân ngã dúi dụi, vội vàng đứng lên. Vào được đến bon thì mưa dần ngớt. Gió cũng dịu bớt. Bà con đã chuẩn bị để tập trung đến nơi an toàn. Đoạn đường cuối bon, vết nứt kéo dài hơn một cây số. May chưa có nhà người dân nào bị sập.

Cả đội chia nhau ra thực hiện nhiệm vụ. Người dìu các cụ già, người cõng em nhỏ, hướng dẫn người dân và vận chuyển đồ đạc có giá trị ra ô tô đậu ở đầu đường vào bon để đến điểm sơ tán. Dự báo ngọn đồi phía sau bon trong những ngày tới có thể sạt lở bất cứ lúc nào nếu mưa tiếp tục kéo dài. Rồi đề phòng lũ quét từ con suối đầu nguồn. Đêm mưa lạnh mà lưng áo người nào người nấy ướt đẫm mồ hôi.

Gần sáng thì công tác sơ tán đã xong xuôi. Dũng cùng cậu lính trẻ dìu cậu bí thư chi đoàn bon. Từ tối đến giờ, cậu thanh niên nhiệt tình, xông xáo hết cõng các em nhỏ, cõng các cụ già đau yếu lại khuân đồ ra xe.

Có lẽ đã thấm mệt vì đi đi lại lại hàng chục lần qua đoạn đường trơn trượt đầy ổ voi, ổ gà, cậu bị trượt ngã, trẹo chân. Sực nhớ trong nhà còn món đồ quan trọng để quên, cậu nhờ Dũng dìu cậu quay trở lại nhà để lấy mang theo.

Ầm... ì... ầm... ì... Chẳng kịp nghĩ nhiều, Dũng đẩy mạnh cậu thanh niên ra, xoay lưng lại chống đỡ. Mắt anh tối sầm lại.

Dũng chẳng biết mình đang ở đâu. Cảnh vật như quen, như lạ trong thoáng chốc khiến anh không xác định được phương hướng. Ngơ ngác. Hoảng hốt. Rồi anh thấy lồng ngực mình tràn căng một làn hương dịu dàng, thanh khiết. Là hoa điềm thụy. Sự căng thẳng trong Dũng dịu lại. Ngày đầu tiên về đồn, bố Tuấn đã chỉ cho Dũng thấy loài hoa ấy.

Bố Tuấn kể với Dũng, cả cuộc đời binh nghiệp của mình, bố đã đóng quân ở nhiều chốt, nhiều đồn, lúc về hưu cũng đã tranh thủ đi thăm thú dọc chiều dài biên cương của đất nước, nhưng bố chưa thấy ở đâu có loài hoa điềm thụy như ở Đồn Pu P'răng. Những cây hoa chỉ mọc đến ngang đầu gối người lớn rồi bắt đầu xòe tán.

Mùa mưa, những bông hoa độ bằng ngón tay cái điểm nhụy màu đỏ tươi như những giọt máu đào cứ bung ra trắng muốt. Xung quanh điểm cao, những bông hoa lặng lẽ bung nở trong đêm, khi bước chân của những người lính vừa tuần tra trở về ngồi nghỉ lại, như muốn nói những lời tâm sự, những lời động viên, như muốn góp chút sắc hương tiếp sức cho những người lính.

Cả tháng trời, hoa cứ ngời sáng tinh khiết trong đêm, mặc gió, mặc mưa vùi dập cũng không tàn. Đến lúc lìa cành về với đất, những cánh hoa vẫn không hề héo úa. Nhụy hoa vẫn đỏ tươi như máu. Mấy cậu lính trẻ nâng niu nhặt từng bông hoa về ép vào sổ tay, dành làm quà gửi bạn gái trong mỗi lá thư chứa đầy nỗi nhớ nhung thương mến.

Hương hoa vương vấn trên từng dòng chữ cả năm trời chưa hết. Mấy anh em Y Quang mùa hoa nào cũng dặn Dũng nhặt hoa về ép khô để làm thiệp tặng mẹ Thủy. Bố Tuấn bảo, hoa điềm thụy mọc trên điểm cao biên giới Đồn Pu P'răng sau khi những người lính của đồn hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ người dân trước sự tàn sát của quân Pol Pot.

Bố Quý của Dũng cũng hy sinh trong trận chiến đấu ác liệt ấy. Ngày bố hy sinh là ngày đầy tháng Dũng.

Bố Tuấn đã nhận Dũng làm con nuôi, chăm sóc, yêu thương Dũng thay phần bố Quý. Có hai người bố là chiến sĩ, Dũng quyết tâm nối nghiệp màu áo xanh thân thương. Như một cơ duyên, học xong, Dũng được phân về công tác tại chính nơi bố Quý, bố Dũng từng sống, từng cống hiến và chiến đấu để bảo vệ.

***

Có ai đang tới bên Dũng, cầm tay anh trìu mến. Bố Quý phải không? Đúng là khuôn mặt bố trên tấm ảnh mẹ nâng niu suốt mấy chục năm trời, đến khi mất vẫn còn ôm vào lồng ngực. Bố mỉm cười nhìn Dũng, bảo Dũng đi về đi, bao nhiêu người đang đợi. Bố Tuấn, Thủy, các con và đồng đội đang mong Dũng về đấy.

Dũng muốn nói chuyện với bố, hỏi thăm bố nhưng bóng bố nhạt nhòa rồi tan vào hư vô. Chỉ còn hương hoa điềm thụy thanh khiết, dịu dàng bung tỏa quanh nơi bố đứng.

Dũng tỉnh giấc. Khuôn mặt Thủy phờ phạc nhưng không giấu nổi nỗi vui mừng. Những giọt nước mắt thấm xuống bàn tay anh ấm nóng. Đất nứt, căn nhà của cậu Bí thư Chi đoàn bon bị sập, cột nhà đập vào lưng Dũng khiến anh bất tỉnh mấy ngày nay.

Bác sĩ nói anh đã qua cơn nguy hiểm nhưng không hiểu sao anh chưa tỉnh lại. Thủy đã thức trắng mấy đêm nay không ngủ. Bố Tuấn nghe tin đón chuyến xe sớm nhất vào với Dũng. Mấy bữa nay, bố túc trực ở bệnh viện, Thủy ép mãi bố mới chịu về nhà người quen chợp mắt một chút cho lại sức.

Ba anh em Y Quang cũng đòi ra thăm bố Dũng nhưng chưa ra được. Mấy đứa viết thư gửi ra, nhờ mẹ Thủy đọc cho bố nghe. Chúng còn dán lên lá thư những cánh hoa điềm thụy như lời nguyện cầu may mắn.

Thủy cầm bàn tay Dũng, đặt nhẹ lên bụng mình. Dũng mấp máy môi chẳng thể nói thành lời. Cái gật đầu ngượng ngùng mà tràn đầy hạnh phúc của Thủy thay cho câu trả lời. Dũng bật khóc như một đứa trẻ.

Bất chợt trong lòng Dũng hiện lên hình ảnh của rất nhiều năm sau nữa, anh cùng những đứa con của mình đứng trên điểm cao, nhìn xuống những bon làng bình yên giữa những vạt đồi cà phê bạt ngàn xanh ngát. Xung quanh bố con anh, hoa điềm thụy bung trắng một dải biên cương.

Đào Thu Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/truyen-ngan-bien-cuong-hoa-trang-20240506145735111.htm