Trước 'sóng lớn', ASEAN ngày càng gắn kết thực chất

Thế giới hiện nay chứng kiến những biến động khó lường, đặc biệt là bất ổn an ninh, cạnh tranh địa chính trị, chuyển đổi công nghệ, lạm phát tăng cao, biến đổi khí hậu..., tất yếu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng phải đối mặt với những thách thức của thời cuộc. Trong bối cảnh đó, ASEAN chứng minh rõ nét sự chủ động thích ứng và chuyển đổi công nghệ, cùng với phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Quang cảnh Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra tại thành phố Luang Prabang, Lào. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Thách thức gắn liền cơ hội

Theo đánh giá của giới chuyên gia quốc tế, ASEAN lâu nay luôn được đánh giá là tổ chức khu vực thành công nhất thế giới. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, kể từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh phải trải qua hàng loạt thách thức mang tính lịch sử, ASEAN vẫn cho thấy việc quy tụ sức mạnh tập thể để nối dài những thành công rõ nét.

Năm 2024 được nhận định là một năm khó khăn của toàn cầu nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Giới chuyên gia chính trị khu vực nhìn nhận, hơn lúc nào hết, các thành viên ASEAN cần nhanh chóng tăng cường xây dựng các nhà máy thông minh, mở rộng số lượng các công ty tầm trung trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời cần đạt được sự đồng thuận về khung chính sách, cũng như quản lý trí tuệ nhân tạo (AI), đây cũng là một trong những thách thức lớn mà toàn cầu đang dành nhiều sự quan tâm.

Giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, thách thức về xung đột chính trị xung quanh khu vực ASEAN là một trong những vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, thách thức này cũng gắn liền với cơ hội. Thực tế cho thấy, ASEAN đang ngày càng lớn mạnh và các nước thành viên có thể đoàn kết cùng đảm bảo hòa bình, an ninh ở khu vực, cũng như thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư.

Về đối nội, các nước thành viên ASEAN cần tăng cường phối hợp và bổ trợ lẫn nhau. Khi một thành viên ASEAN nhận được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các thành viên khác cần tính toán đến hiệu ứng lan tỏa. Từ đó trở thành một phần của chuỗi cung ứng để mang lại lợi ích kinh tế cho mỗi quốc gia. Việc bổ trợ lẫn nhau có vai trò vô cùng quan trọng đối với lợi ích bền vững của tương lai. Bởi sự chênh lệch giữa các nền kinh tế trong ASEAN tất yếu dẫn tới những rạn nứt và khiến “bức tranh chung” của nền kinh tế khu vực suy yếu, dễ bị tổn thương.

Về đối ngoại, vai trò trung tâm của ASEAN cần sự hợp tác của nhiều quốc gia, đặc biệt là các cường quốc thế giới dựa trên nguyên tắc trung lập. Dù tất cả các nước ASEAN đều thiết lập quan hệ với những đối tác lớn, nhưng để đạt được lợi ích lớn nhất, cần tăng cường hợp tác theo cơ chế ASEAN+.

Một thách thức quan trọng hàng đầu khác là mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu. Từ quy định đã được nhất trí tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), ngành công nghiệp nói chung đang phải đối mặt với nhiều áp lực về chuyển đổi công nghệ và phải sẵn sàng thích ứng với những quy định sẽ ngày càng chặt chẽ hơn.

Theo giới chuyên gia, mục tiêu chống biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo tuy đặt ra thách thức, nhưng cũng gắn liền với cơ hội. Nhiều ngành, lĩnh vực mới có thời cơ thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực truyền thống bị ảnh hưởng, đòi hỏi phải có những bước chuyển linh hoạt và hiệu quả.

Vấn đề đặt ra là phải làm sao để có sự chuyển đổi công bằng, không gây tổn hại đến sự phát triển của các quốc gia, đặc biệt là những nước có thu nhập thấp và trung bình. Các quy định đối với mục tiêu phát triển kinh tế xanh cần có sự tham gia của nhiều tổ chức tài chính toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, vốn đang phải gánh chịu nhiều hậu quả của biến đổi khí hậu. Quan điểm này cần được ưu tiên thảo luận trong các chương trình nghị sự của ASEAN trong thời gian tới.

Hợp tác sôi động và thực chất

Giới chuyên gia nhận định, năm 2024, dù bối cảnh chung rất nhiều thách thức nhưng cũng tạo ra những kỳ vọng đối với ASEAN về một năm hợp tác sôi động, thực chất. Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra tại thành phố Luang Prabang, Lào vào ngày 29/1 vừa qua đã nêu rõ những cơ sở cho kỳ vọng này.

Cảng container quốc tế Manila của Philippines. Ảnh: Port Technology

Theo Đại sứ Vũ Hồ - Quyền Trưởng SOM ASEAN, các quốc gia đánh giá rất cao chủ đề của năm nay là “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”. Hội nghị vừa qua là hoạt động đầu tiên của năm 2024, định hình những trọng tâm, ưu tiên của khối làm cơ sở định hướng xuyên suốt và tổng thể cho hợp tác ASEAN trong cả năm. Hội nghị được đánh giá là thành công tốt đẹp khi thống nhất 9 ưu tiên của ASEAN trên cả 2 cụm nội dung về kết nối và tự cường, phản ánh nhu cầu chung của ASEAN trước các yêu cầu của thời đại.

Đáng chú ý, về cụm nội dung “tự cường”, ASEAN sẽ tập trung xây dựng các Chiến lược triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác môi trường, tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ, trẻ em và nâng cao năng lực y tế khu vực. Về “kết nối”, ASEAN sẽ thúc đẩy sự gắn kết giữa các nền kinh tế, thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững, chuyển đổi hướng đến tương lai số và phát huy vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong tiến trình hội nhập khu vực.

Đại sứ Vũ Hồ nhìn nhận, năm 2024 là thời điểm chuyển giao giữa các khuôn khổ chiến lược xây dựng Cộng đồng. ASEAN bước vào năm cuối cùng triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và chuẩn bị các bước phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Việc xây dựng Cộng đồng là một tiến trình liên tục và lâu dài, song bước chuyển giai đoạn luôn mang ý nghĩa quan trọng, mở ra những cơ hội, khát vọng và quyết tâm mới cho sự phát triển của Cộng đồng.

Theo Đại sứ Vũ Hồ, từ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 không đơn giản là phép cộng của thời gian, mà là phép nhân của nỗ lực với mong muốn tạo ra những đột phá mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn cho liên kết của ASEAN trong những năm tới. Vì vậy, năm 2024 cũng sẽ là một năm bận rộn của ASEAN với việc chuẩn bị kiểm điểm toàn diện các Kế hoạch tổng thể 2025 và xây dựng các Chiến lược hợp tác mới đến năm 2045.

Liên quan đến thông điệp đoàn kết, hợp tác và tự cường mà hội nghị này truyền tải, Đại sứ Vũ Hồ cho biết, ASEAN nhận thức sâu sắc về hàng loạt vấn đề quốc tế và khu vực hiện nay, đồng thời đưa tất cả các nội dung này vào chương trình nghị sự, từ bất ổn an ninh quốc tế đến những vấn đề của khu vực, bao gồm vấn đề Biển Đông, thúc đẩy thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)...

ASEAN nhận thức sâu sắc về tình hình thực tiễn, cũng như những hệ lụy, tác động đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực. Riêng về nội tại, ASEAN tiếp tục cho thấy sự thấu hiểu lẫn nhau, từ đó cùng chung nỗ lực tìm kiếm giải pháp chung phù hợp nhất. ASEAN thể hiện rõ nét sự chân thành, thẳng thắn, nhờ đó nâng cao sự trân trọng đối với giá trị của đoàn kết, thống nhất, điều vốn đã và đang tiếp tục tạo nên sức mạnh cho khối vững vàng vượt qua mọi khó khăn, trở ngại.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/truoc-song-lon-asean-ngay-cang-gan-ket-thuc-chat-post472443.html