Trung tâm Lưu trữ Quốc gia: Di sản dòng họ luôn chảy trong dòng lịch sử

Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I nhận định rằng gia phả, lịch sử cá nhân, lịch sử dòng họ đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử quốc gia.

Cuốn tiểu thuyết chương hồi "Hoan Châu ký" được xem là nguồn cung cấp thông tin quan trọng cho chính sử thời Lê. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Di sản của các dòng họ đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử quốc gia và cần được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn để bổ sung cho chính sử.

Đó là nhận định của bà Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) trong buổi tọa đàm "Đối thoại về di sản dòng họ: Lịch sử cá nhân trong dòng lịch sử quốc gia qua trường hợp ‘Hoan Châu ký’” diễn ra ngày 19/4 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Tọa đàm được tổ chức nhân dịp tái bản cuốn sách "Hoan Châu ký" và kỷ niệm 360 năm của đại lễ "Thập niên sự lệ" – sự kiện quan trọng của Nguyễn Cảnh thị - dòng họ lớn cư trú gần 600 năm ở vùng đất Nghệ An, có nhiều danh nhân, danh tướng, nhà văn hóa, lương y trong lịch sử Việt Nam như: Liêu Quận công Nguyễn Cảnh Quế, Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Thắng Quận công Nguyễn Cảnh Hà, Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan...

Bà Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Theo thông lệ, 10 năm một lần, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh lại tề tựu về Đền thờ Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan tổ chức lễ hội “Thập niên sự lệ” với quy mô lớn, nhằm ca ngợi và giáo dục về truyền thống vẻ vang của một dòng họ “Trung, Cần, Nhân, Nghĩa.”

Năm 2023, lễ hội “Thập niên sự lệ” được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Ngoài hệ thống di sản nói trên, tổ tiên dòng họ còn để lại cho đất nước và con cháu một cuốn gia phổ. Đó là “Hoan Châu ký” được viết vào khoảng thế kỷ 17. Bản sao viết tay của tài liệu này đã được họ Nguyễn Cảnh tặng cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm vào năm 1983.

Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cuốn sách bao gồm 4 hồi, 16 tiết, mỗi hồi 4 tiết, được trình bày dưới dạng văn xuôi, xen thêm một số loại văn biền ngẫu (thư, chế, sắc, câu đối) hoặc văn vần (thơ, tán) trong nhiều hồi nhiều tiết. Ngoài ra, sách còn có phần lời giới thiệu của Hội đồng gia tộc Nguyễn Cảnh Việt Nam, lời giới thiệu của Giáo sư Trần Nghĩa và lời giới thiệu của dịch giả Nguyễn Thị Thảo.

Theo bà Nguyễn Thu Hoài, di sản dòng họ và lịch sử cá nhân tưởng chừng là một chủ đề bị lãng quên trong dòng lịch sử quốc gia, nhưng lại góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa, tạo nên sự đa dạng và sâu sắc trong lịch sử, và để lại cho thế hệ sau những bài học giá trị. Nhờ vào những di sản này, chúng ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc và bản sắc thế hệ trước và dân tộc mình.

Buổi tọa đàm có sự quan tâm của nhiều người yêu thích nghiên cứu lịch sử. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Nguyễn Thu Hoài nhận định rằng trong số những tài liệu nghiên cứu về di sản dòng họ ấy, có thể nói “Hoan Châu ký” là một tác phẩm điển hình, bộ tiểu thuyết chương hồi vào loại cổ nhất nước ta, kể về lịch sử của dòng họ Nguyễn Cảnh. còn gợi mở những nội dung về di sản và lịch sử dòng họ, giúp độc giả tìm hiểu về nguồn gốc và bản sắc văn hóa của dân tộc.

Tiến sỹ Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, cho rằng “Hoan Châu ký” viết về một dòng họ với nhiều nhân vật tham gia vào diễn trình lịch sử của đất nước, góp phần làm nên lịch sử chung của cả một dân tộc.

Do đó, có thể coi đây là nguồn sử liệu trực tiếp, cung cấp nhiều thông tin cụ thể, phong phú, có giá trị bổ sung cho các bộ sử chính thức về thời kỳ Lê Trung Hưng (thế kỷ 17)./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/trung-tam-luu-tru-quoc-gia-di-san-dong-ho-luon-chay-trong-dong-lich-su-post941138.vnp