Trung Quốc tung gói giải cứu bất động sản lớn chưa từng thấy

Trung Quốc vừa công bố nỗ lực mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của nước này để cứu thị trường bất động sản đang chìm trong khủng hoảng...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Gói hỗ trợ bao gồm nới lỏng các quy định về vay thế chấp nhà và hối thúc các chính quyền địa phương mua những căn nhà ế - một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng lo ngại về áp lực mà cuộc khủng hoảng địa ốc đang đặt ra đối với nền kinh tế.

Theo hãng tin Bloomberg, kế hoạch trên cũng bao gồm giảm mức đặt cọc yêu cầu đối với người mua nhà và số vốn 300 tỷ nhân dân tệ (42 tỷ USD) từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (BPOC) để các doanh nghiệp được nhà nước hậu thuẫn mua lại số nhà tồn tại các dự án bất động sản. Các dự án được mua lại sau này có thể được chuyển đổi thành nhà ở giá rẻ.

Giới đầu tư phản ứng tích cực trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (17/5) khi gói hỗ trợ trên được công bố, với giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản tăng gần 10%. Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để khẳng định kế hoạch này có đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc hay không.

Số vốn 42 tỷ USD từ PBOC cho việc mua lại các dự án ế ẩm được giới phân tích nhận định chỉ là “muối bỏ bể” để giải quyết sự chênh lệch cung-cầu trên thị trường địa ốc Trung Quốc hiện nay. Chưa kể, nhiều người mua nhà tiềm năng còn đang chờ cho giá giảm sâu hơn mới mua.

Dù vậy, công bố ngày thứ Sáu cho thấy Trung Quốc đang đặt trọng tâm mới vào việc vực dậy tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt một loạt thách thức từ thuế quan gia tăng ở Mỹ cho tới tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao lịch sử. Vấn đề đặt ra bây giờ là liệu nhà chức trách có thể tạo ra được một sự kết hợp chuẩn xác giữa sức mạnh tài chính và điều chỉnh chính sách để củng cố niềm tin, mà không phải dùng tới một lần nữa các biện pháp kích cầu ồ ạt như trong những thập kỷ trước.

“Kế hoạch này của Trung Quốc có phần giống với việc giải cứu các định chế tài chính trong khủng hoảng tài chính. Nhưng xét cho cùng, trừ phi Chính phủ Trung ương vào cuộc và trực tiếp dùng tiền của trung ương để cứu bất động sản, sẽ rất khó hoặc còn quá sớm để tin rằng khủng hoảng sắp kết thúc”, giáo sư tài chính Zhu Ning thuộc Viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải nói với Bloomberg.

Theo PBOC, chương trình cho vay lại của cơ quan này ước tính sẽ tạo ra 500 tỷ nhân dân tệ vốn tín dụng để phục vụ cho việc mua nhà tồn. Trong khi đó, giới phân tích ước tính số vốn cần thiết cho việc này dao động từ 1-5 nghìn tỷ nhân dân tệ tùy thuộc vào quy mô và tốc độ mua lại các dự án.

Kế hoạch này đánh dấu một giai đoạn mới trong lập trường của Bắc Kinh về bất động sản, sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình cách đây 7 năm tuyên bố “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”. Ngoài việc giải tỏa áp lực đối với các chủ đầu tư bất động sản, kế hoạch cũng sẽ thúc đẩy chương trình nhà ở xã hội của Trung Quốc.

Tại một cuộc họp ngày thứ Sáu, Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong nhấn mạnh “lĩnh vực bất động sản có mối liên hệ mật thiết với lợi ích của quần chúng và là vấn đề lớn của phát triển kinh tế”. Ông cũng đề cập đến sự cần thiết thúc đẩy chủ trương “ba dự án lớn” của Chính phủ Trung Quốc, gồm nhà ở giá rẻ, cải tạo đô thị, và hạ tầng công cộng.

Kế hoạch vừa công bố giảm mức đặt cọc tối thiểu đối với người mua nhà lần đầu còn 15% giá trị căn nhà, mức thấp kỷ lục. Người mua nhà lần thứ hai phải đặt cọc 25%, giảm 5 điểm phần trăm so với trước. Mỗi địa phương sẽ tự quyết định về lãi suất cho vay thế chấp nhà sau khi mức lãi suất tối thiểu toàn quốc đối với các khoản vay này bị xóa bỏ.

Cách đây 3 năm, do lo ngại bong bóng bất động sản, Trung Quốc đã siết chặt hạn chế đối với lĩnh vực này. Trong khoảng thời gian đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn của Trung Quốc đã vỡ nợ, với tổng số nợ trái phiếu USD bị vỡ là 124 tỷ USD. Những “đại gia” một thời như Chia Evergrande, Country Garden và China Vanke đã bị đẩy tới bờ vực sụp đổ.

Cuộc khủng hoảng đe dọa ổn định xã hội khi các cuộc biểu tình của người mua nhà diễn ra ở nhiều nơi và lượng nhà tồn kho đang ở mức cao nhất 8 năm. Vô số dự án bất động sản trên khắp Trung Quốc đang rơi vào ngưng trệ và khoảng 5 triệu lao động trong ngành này đối mặt nguy cơ thất nghiệp hoặc giảm thu nhập.

Tính cấp bách của vấn đề gia tăng khi số liệu mới nhất cho thấy giá nhà ở Trung Quốc trong tháng 4 ghi nhận mức giảm so với tháng trước mạnh nhất trong 1 thập kỷ. Hàng loạt biện pháp mà nước này triển khai trong 1 năm qua để cứu bất động sản đã không thể cắt đứt vòng xoáy đi xuống.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/trung-quoc-tung-goi-giai-cuu-bat-dong-san-lon-chua-tung-thay.htm