Trung Quốc: Lo ngại khủng hoảng tín dụng cận kề

Hàng loạt vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc đang làm dấy lên mối lo ngại về hệ thống tài chính và đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 tại quốc gia này. Ngay trước khi bùng phát đại dịch, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo rằng, 'kịch bản vỡ nợ ở Trung Quốc' có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

Kịch bản vỡ nợ ở Trung Quốc có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái. (Nguồn: Pinterest)

Kịch bản vỡ nợ ở Trung Quốc có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái. (Nguồn: Pinterest)

Các vụ vỡ nợ tăng vọt

Trong nửa đầu năm 2021, 25 công ty Trung Quốc đã vỡ nợ khoảng 10 tỷ USD trái phiếu. Đây là con số kỷ lục trong lịch sử của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với núi nợ đã tăng lên 121% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đồng thời, hơn một nửa số nợ này, tương đương 5,6 tỷ USD, thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước.

Theo hãng nghiên cứu Shanghai DZH, tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu của Trung Quốc thậm chí còn cao hơn 18 tỷ USD.

Trên thực tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ trái phiếu. Năm 2019, các vụ vỡ nợ của doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 10% tổng số vụ vỡ nợ, nhưng đến năm 2020 con số này là 40%.

Các chuyên gia của Japan Research Institute (JRI) giải thích rằng, trong nhiều thập kỷ, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền trung ương hoặc địa phương. Họ ngập trong nợ nần nhưng vẫn tưởng rằng họ sẽ không bao giờ được phép vỡ nợ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Viện Nghiên cứu Daiwa, điều này khác xa với thực tế. Cơ quan xếp hạng quốc tế Fitch cảnh báo, Trung Quốc sắp đối mặt vụ vỡ nợ trái phiếu của chính quyền địa phương vì trái phiếu chính là phương tiện tài chính do các chính quyền địa phương phát hành, vốn được tạo ra để lách các quy định giới hạn về nợ.

Trong khi đó, nợ công của Trung Quốc đã lên đến 300% GDP.

Những khoản nợ ẩn khổng lồ

Viện Brookings của Mỹ dự báo, đến năm 2028, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về quy mô kinh tế. Việc nhanh chóng thoát khỏi tình trạng bị đóng cửa đã giúp Bắc Kinh trở thành quốc gia nhận FDI lớn nhất thế giới.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) bỏ xa Mỹ về số lượng công ty trong danh sách Fortune Global 500 (một bảng xếp hạng hàng năm của 500 công ty, tập đoàn hàng đầu trên toàn thế giới tính theo doanh số). Có 124 công ty Trung Quốc nằm trong bảng xếp hạng này, so với 121 công ty Mỹ. Ngoài ra, Mỹ đã để mất vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU).

Với tất cả điều này, các nhà kinh tế đã rút ra kết luận rằng, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sớm hơn hai năm so với ước tính trước đó. Tuy nhiên, mặt trái của những thành tựu này là khoản nợ ẩn khổng lồ.

Ngay từ năm 2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo về mối nguy này. Các nhà phân tích chỉ ra rằng việc Bắc Kinh bước lên vị trí hàng đầu sẽ gây ra khủng hoảng nợ toàn cầu dẫn, đến sự sụp đổ tương đương với cuộc khủng hoảng năm 2008.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát cách đây 13 năm, Bắc Kinh phản ứng bằng cách mở rộng cấp vốn tín dụng. Hiện giờ tổng số nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm gần 150% GDP.

Trong khuôn khổ chương trình chiến lược “Made in China 2025”, Bắc Kinh đã ồ ạt mua các công ty phương Tây, tiếp cận với những công nghệ mới nhất. Để mua lại các công ty này, người Trung Quốc đã vay tiền. Hệ thống tài chính “đen” của Trung Quốc phát triển đã sẵn sàng tài trợ các công ty môi giới và công ty cho vay.

Kết quả là kể từ năm 2012, thị trường tín dụng Trung Quốc đã trải qua một sự chuyển đổi. Các ngân hàng không chính thức (hay còn gọi là “ngân hàng bóng tối”) bắt đầu chiếm ưu thế, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ quản lý tài sản và cho vay ủy thác. Các cơ chế cho vay này đã mang lại lợi nhuận cao cho khách hàng, nhưng với rủi ro lớn hơn nhiều.

Vài năm trước, khu vực “ngân hàng bóng tối” ước tính đạt 7.000 tỷ USD. Hiện con số này đã lên đến 13.000 tỷ USD. Như IMF và WB đã cảnh báo, một cuộc khủng hoảng mới ở châu Á đang cận kề.

Khủng hoảng tín dụng đang cận kề

Trong 2 năm tới, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải trả hết hoặc tái cấp vốn cho khoản nợ lên tới 2.140 tỷ USD. Con số này cao hơn 60% so với cùng kỳ trước đó.

Hãng tin Bloomberg cho biết, các nhà đầu tư truyền thống xem trái phiếu do các doanh nghiệp nhà nước phát hành ít rủi ro hơn vì có sự hỗ trợ của chính phủ. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong thanh toán đã gây ra tình trạng bán tháo trên thị trường trái phiếu Trung Quốc. Cuộc cuộc khủng hoảng tín dụng đang cận kề.

Niềm hy vọng duy nhất còn sót lại là sự hỗ trợ của nhà nước. Các doanh nghiệp địa phương, chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước, đã phải ngừng vay nợ, điều này sẽ ảnh hưởng đến hệ thống “ngân hàng bóng tối”.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã khuyến nghị hạn chế đầu tư vào các sản phẩm tài chính có mức xếp hạng dưới AA theo thang điểm Trung Quốc, bao gồm nợ ở các tỉnh yếu hơn.

Những “người chơi chính” cũng gặp vấn đề. Ví dụ, một trong những công ty phát hành nợ lớn nhất Trung Quốc đã không bán ra bất kỳ trái phiếu USD nào trong 17 tháng liên tục, đánh dấu cột mốc trì trệ nhất kể từ năm 2013.

Trong khi đó, một tập đoàn được xếp hạng điểm đầu tư sở hữu đa số bởi chính phủ đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng tiền mặt. Các nhà phân tích của UBS và Goldman Sachs chỉ ra rằng, có vẻ như khái niệm “quá lớn để sụp đổ” không còn đúng ở Trung Quốc.

Các nhà chức trách giải thích rằng, chiến dịch cắt giảm nguồn vốn vay là nhằm tăng cường kỷ luật doanh nghiệp và chuyển đổi thị trường tín dụng quốc gia trị giá 17.000 tỷ USD của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

(theo Sputnik)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-lo-ngai-khung-hoang-tin-dung-can-ke-152023.html