Trung Quốc đầu tư hơn 7 tỷ USD nâng cấp chuỗi sản xuất bán dẫn

Do các lệnh hạn chế từ Mỹ, nhiều công ty Trung Quốc chuyên sản xuất thiết bị và vật liệu sản xuất chip đã được chú ý nhờ các gói trợ cấp và đầu tư của Chính phủ nước này theo sáng kiến Made in China 2025.

Trong thông báo ngày 22/4, các nhà cung cấp thiết bị và vật liệu sản xuất chip của Trung Quốc có kế hoạch đầu tư 7,26 tỷ USD với sự hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc nhằm củng cố chuỗi cung ứng trong nước.

Việc nhập khẩu máy móc sản xuất chip ngoại bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận của Mỹ khiến các công ty Trung Quốc chuyên sản xuất thiết bị và vật liệu sản xuất chip được chú ý hơn. Họ cũng được tài trợ và đầu tư dưới sự bảo trợ của Chính phủ nước này theo sáng kiến Made in China 2025.

Giám đốc điều hành David Wang của ACM Research cho biết, xung đột chính trị toàn cầu có thể mở ra một thời hoàng kim cho lĩnh vực máy móc sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc.

Theo Nikkei Asia, khoảng 35% nhà máy bán dẫn Trung Quốc sử dụng thiết bị nội địa vào năm 2022, tăng từ 21% của năm 2021. Họ cũng giành chiến thắng trong gần một nửa số lần đấu thầu công khai về mua thiết bị của các nhà sản xuất chip hàng đầu tại Trung Quốc vào năm 2023.

Đơn cử như nhà sản xuất thiết bị và vật liệu sản xuất chip của Trung Quốc là Advanced Micro-Fabrication Equipment chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong doanh số bán hàng năm 2022, tăng gấp 5 lần so với năm 2017.

Một minh chứng rõ nét hơn, Naura Technology, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu Trung Quốc đã thu về hơn 2 tỷ USD trong năm ngoái, cao gấp 6 lần năm 2017. Công ty này cũng đã mua lại một nhà sản xuất thiết bị làm sạch wafer của Mỹ và mở rộng danh mục kinh doanh.

Báo cáo của SEMI cho thấy, Trung Quốc dẫn đầu thị trường sản xuất chip thế giới trong 3 năm qua, mặc dù đã có một sự giảm 5% vào năm 2022. Tuy nhiên, nhu cầu bán dẫn vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là khi Mỹ dự kiến áp đặt thêm các lệnh cấm vận mới. Theo ChipInsights, 30% tổng doanh số của 3 hãng sản xuất chip lớn nhất Mỹ là đến từ Trung Quốc. Điều này tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất chip toàn cầu tìm kiếm kinh doanh tại thị trường khổng lồ này.

Giới chuyên gia cho rằng, việc đánh mất thị trường Trung Quốc có thể gây ra thiệt hại lớn cho doanh thu và ảnh hưởng đến nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn.

Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh ngày càng căng thẳng với Mỹ. Giáo sư Wei Shaojun của Tsinghua University Trung Quốc nói: "Các ngành công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn tại Trung Quốc sẽ cùng hợp tác để đổi mới, tăng tốc nỗ lực tự chủ trong bán dẫn".

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trung-quoc-dau-tu-hon-7-ty-usd-nang-cap-chuoi-san-xuat-ban-dan-post20788.html