Trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật quý về 'Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử'

Với hơn 200 tài liệu, hình ảnh và hiện vật đang được bảo quản tại các trung tâm lưu trữ quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ, Lưu trữ Nga, một số nhân chứng của hội nghị…, triển lãm tài liệu lưu trữ 'Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử' khai mạc ngày 5-1 tại Hà Nội.

Triển lãm đã khái quát về hoàn cảnh trong nước và quốc tế dẫn tới Hội nghị Paris; quá trình đàm phán, ký Hiệp định Paris là cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là sự thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.

Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam DCCH dự phiên họp khai mạc cuộc hội đàm chính thức giữa đại diện Chính phủ nước Việt Nam DCCH và đại diện Chính phủ Hoa Kỳ trong Hội nghị Paris, ngày 13-5-1968, tại phòng họp Trung tâm các Hội nghị quốc tế (đường Kleber, Paris, Cộng hòa pháp). Nguồn: TTLTQG III, Tài liệu ảnh Bộ Ngoại giao, SLT 2979-2242

Sau gần 5 năm với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 24 cuộc họp bí mật, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam, ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết giữa các bên tham gia, là một dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là thắng lợi hết sức to lớn trên mặt trận ngoại giao, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Mỹ buộc phải rút quân về nước là điều kiện thuận lợi để nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Henry A. Kissinger và ông Lê Đức Thọ bắt tay sau khi ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, năm 1973. Nguồn: Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ

Triển lãm “Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử” giúp người xem được tiếp cận, có được cái nhìn toàn diện hơn về ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris năm 1973. Đồng thời, giúp cho công chúng thêm một lần nhắc nhớ và tự hào về trang sử hào hùng của dân tộc trên cả hai phương diện quân sự và ngoại giao trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc, hòa bình và thống nhất đất nước.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trung-bay-nhieu-tu-lieu-hien-vat-quy-ve-hoi-nghi-paris-cuoc-dam-phan-lich-su-post674638.html