Trong Luật Đất đai (sửa đổi), cần quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm định giá đất

Ngày 24/2, tại TP.Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh về tình hình lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Luật Đất đai trong hệ thống pháp luật, đồng thời nêu rõ, qua gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, đất đai ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo quốc phòng an ninh. Việc sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai là nội dung hết sức quan trọng nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hệ thống hóa các Nghị quyết của Đảng.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, TP.Hồ Chí Minh đã tiến hành khẩn trương, kịp thời các hoạt động tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, các Sở, ngành địa phương đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 3/1/2023 đến ngày 15/3/2023, phân công Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện, các đơn vị có liên quan triển khai. Ủy ban MTTQ TP.Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức các hội nghị góp ý với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thu hút các cá nhân tiêu biểu, đồng bào dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo, liên hiệp khoa học kỹ thuật, Hiệp hội doanh nghiệp của thành phố tham gia.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc.

Góp ý vào các quy định liên quan đến cơ quan định giá đất, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, cơ chế xác định giá đất còn nhiều bất cập, xác định giá đất cụ thể thường thấp hơn so với giá thị trường gây thất thu ngân sách Nhà nước và khó khăn trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Nguồn nhân lực của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng không đủ cả về số lương và chất lượng để đảm trách công việc này, trước đây nhiệm vụ này do Sở Tài chính đảm nhận. Do đó, đề nghị phải quy định rõ trong luật cơ quan nào chịu trách nhiệm định giá đất.

Đại diện Mặt trận Tổ quốc TP.Hồ Chí Minh đề nghị thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, cần quy định rõ về các tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ"; khoản 2, Điều 89 dự thảo Luật nên sửa thành “việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm cho người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” .

Một số ý kiến khác góp ý nội dung trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng: những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - hội mang tính chiến lược hoặc các công trình công cộng thì Nhà nước thu hồi, còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch, mang lại lợi nhuận cho chủ đầu tư thì thực hiện cơ chế thương lượng với người dân để bồi thường thỏa đáng.

Các ý kiến cũng đề nghị áp dụng khung giá bồi thường theo thị trường, tôn trọng quyền tự quyết của Nhân dân. Cần xây dựng phương án bồi thường cụ thể, rõ ràng, minh bạch để làm giảm bớt lo lắng, tranh chấp, khiếu nại của người dân. Về vấn đề giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần quy định cụ thể, chi tiết trường hợp nào giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, trường hợp nào đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cảm ơn và đánh giá cao Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh, các chuyên gia, nhà khoa học, các sở, ngành, cơ quan, tổ chức đã tham dự, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trách nhiệm, thẳng thắn, tâm huyết, đi vào nội dung cụ thể của dự thảo Luật.

Thời gian tới, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tổ chức thêm các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về các chủ đề cụ thể của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, các sở, ngành, tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần hai tại Kỳ họp thứ 5.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trong-luat-dat-dai-sua-doi-can-quy-dinh-ro-co-quan-nao-chiu-trach-nhiem-dinh-gia-dat-post236741.html