Trọng liêm sỉ!

Câu chuyện liên quan đến ông Y Luyện Niê Kđăm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk những ngày này đang thu hút sự quan tâm của một bộ phận dư luận xã hội.

Sau khi truyền thông phản ánh các công trình của gia đình ông dựng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk), ông đã tự giác huy động con cháu đến tháo dỡ. Dù chưa có ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng nhưng ông Y Luyện đã kịp thời, nhanh chóng hoàn trả mặt bằng nguyên trạng cho khu bảo tồn. Ông nói, sai thì phải sửa, không vì khuyết điểm của mình mà ảnh hưởng đến tổ chức và người khác!

Dù là ai và với bất cứ lý do gì thì việc xây dựng các công trình trong khu bảo tồn thiên nhiên, rõ là sai rồi. Nhưng vấn đề dư luận quan tâm không nằm ở cái sai ấy, mà là tinh thần và thái độ sửa sai của người từng giữ cương vị lãnh đạo cao nhất tỉnh Đắk Lắk, từng có công lao đóng góp trong kháng chiến và xây dựng quê hương. Khi đương chức, ông cũng chính là người có công đề xuất, quyết định thành lập khu bảo tồn này. Nơi đó gắn bó sâu sắc với tuổi thơ, thời trai trẻ và những năm tháng tham gia kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng quê hương của ông.

Với những gì ông nói và làm trong những ngày qua, thay vì xăm xoi khuyết điểm, nhiều người đã dành cho ông sự cảm thông và cái nhìn thiện cảm. Là con người, ai cũng có thể mắc sai lầm, khuyết điểm. Nhưng tinh thần tiếp thu phê bình và thái độ sửa sai, tự nguyện khắc phục khuyết điểm như vậy là biểu hiện tính tự trọng của con người có liêm sỉ.

 Một khu vực trang trại của ông Y Luyện Niê Kđăm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đang được tháo dỡ. Ảnh: thanhnien.com.vn

Một khu vực trang trại của ông Y Luyện Niê Kđăm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đang được tháo dỡ. Ảnh: thanhnien.com.vn

Nhìn rộng ra trong đời sống xã hội hiện nay, có không ít cán bộ từng giữ trọng trách trong hệ thống chính trị các cấp, sau khi nghỉ hưu vẫn cứ khư khư giữ lấy nhà công vụ, không chịu trả lại tài sản công, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn của đồng chí, đồng đội mình. Một số khác, khi bị các cơ quan chức năng điều tra về hành vi tham nhũng thì tìm cách tẩu tán tài sản, tìm cách chối tội, đổ lỗi. Hậu quả họ để lại cho xã hội, cho đất nước là rất nặng nề, nhưng thái độ thành khẩn, ý thức khắc phục hậu quả thì rất kém, gây thêm khó khăn cho tổ chức, kéo theo sự phiền phức, vất vả cho nhiều người khác.

Ông bà ta có câu “Cháy nhà ra mặt chuột”! Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng ta hiện nay đã và đang làm lộ ra nhiều góc khuất trong phong cách, nhân cách, tính tự trọng và sự liêm sỉ của không ít công bộc. Thấy rõ hơn những góc khuất ấy để chúng ta có thêm các hình thức, giải pháp thiết thực nhằm chấn hưng văn hóa Đảng.

Tiếp xúc cử tri một số địa phương ở Hà Nội vào ngày 15-10, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng vẫn đang tiếp diễn. Vì sự tiến bộ chung, vì để giáo dục người khác đừng đi vào vết xe đổ ấy, Trung ương buộc phải làm và yêu cầu các cấp cũng phải làm như Trung ương...

Như vậy là tinh thần kiên trì, kiên quyết, quyết tâm, quyết liệt, không có vùng cấm... trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục được thực thi, mở rộng từ Trung ương đến các địa phương. Những cán bộ, đảng viên thoái hóa, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chắc chắn sẽ bị điều tra, xử lý nghiêm minh. Đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trước hết là ủy ban kiểm tra các cấp của Đảng và cơ quan thực thi pháp luật.

Sai đến đâu, xử đến đó! Không có ai dung túng, cổ xúy cho cái sai, cái xấu. Nhưng dưới lăng kính văn hóa, dư luận xã hội vẫn dành sự tôn trọng nhất định cho người có dũng khí nhận sai và ý thức, thái độ sửa sai. Đó là biểu hiện của lòng tự trọng, của liêm sỉ. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chấn hưng văn hóa Đảng hiện nay, rất cần cái liêm sỉ ấy!

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/trong-liem-si-708803