Trộn ma túy vào thuốc lá điện tử: khoảng trống pháp lý?

Mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố, tạm giam 6 đối tượng để điều tra về hành vi sản xuất, tàng trữ trái phép ma túy. Theo đó, các đối tượng đã trộn ma túy vào thuốc lá điện tử rồi bán ra thị trường.

Lô thuốc lá điện tử được trộn ma túy để chuẩn bị đưa ra thị trường. Ảnh: CACC

Trộn ma túy vào thuốc lá điện tử

Theo cơ quan điều tra, người cầm đầu đường dây này là Lê Anh Thơ, SN 1995, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội. Cũng theo khai thác, Thơ đã lên mạng tìm kiếm công thức, sau đó liên hệ với các đối tượng ở nước ngoài đặt mua cần sa tổng hợp, tinh dầu vị, hóa chất, các thiết bị của thuốc lá điện tử, ống thuốc lá sợi chuyển về kho tại Hà Nội thông qua các công ty vận chuyển.

Sau khi nhận được các nguyên liệu, các đối tượng pha chế, tẩm ướp bằng cách bơm tinh dầu có ma túy vào đầu điếu thuốc lá điện tử, thuốc lá sợi sau đó lắp ráp, chạy máy để thành thuốc lá điện tử, điếu thuốc lá sợi có chứa chất ma túy. Với mỗi loại, Thơ bào chế ra 3 vị khác nhau. Tẩm ướp ma túy xong, các đối tượng dán nhãn thuốc lá điện tử Ampire chill và thuốc lá điếu Dominix.

Toàn bộ bao bì, nhãn mác thuốc lá điện tử được Thơ đặt làm riêng, độc quyền, có cả chế độ bảo hành, đổi trả đổi với các sản phẩm bị lỗi. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng thường xuyên thay đổi kho xưởng.

Sau khi cho ra điếu thuốc thành phẩm, Thơ chỉ đạo đàn em đăng bài quảng cáo, livestream trên mạng xã hội nói là các sản phẩm này chứa chất kích thích nhưng không phải ma túy nhằm đánh lừa người sử dụng.

Các đối tượng chọn khách hàng mua số lượng lớn để bán buôn là chính và xây dựng giá bán theo số lượng. Mua càng nhiều giá càng rẻ và ngược lại. Các đối tượng lập nhóm riêng và thường xuyên lọc người vào nhóm và cảnh giác nếu thấy dấu hiệu bị phát hiện thì xóa nhóm, xóa tài khoản ảo để lập tài khoản, nhóm mới hoạt động.

Nhận định các đối tượng vừa sản xuất xong lô hàng thuốc lá chứa ma túy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã bắt quả tang 4 đối tượng Đỗ Duy Lung, Lê Anh Đức, Hoàng Văn Quý, Phùng Quốc Việt đang có hành vi pha trộn, dùng xilanh tiêm tinh dầu chứa ma túy pha trộn vào thuốc lá điện tử “ampire chill” tại kho xưởng xã Phương Nhị, Thanh Trì, Hà Nội.

Tại hiện trường, thu giữ hơn 3.500 điếu thuốc lá thành phẩm đã được bơm tinh dầu có chứa chất ma túy. 5 can nhựa chứa 84 lít dung dịch ma túy. Một máy bơm tinh dầu có pha trộn ma túy tổng hợp. Gần 300 thùng cacton chứa thiết bị lắp ráp thành hơn 10.000 điếu thuốc lá điện tử, 1 triệu vỏ điếu thuốc lá sợi cùng nhiều dung môi, hóa chất, nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện, vỏ hộp, nhãn mác dùng vào việc sản xuất, đóng gói thuốc lá điện tử.

Ngoài ra, thu giữ gần 15.000 điếu thuốc lá điện tử chứa tinh dầu với nhiều mùi vị được Lê Anh Thơ nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam chờ bán ra thị trường.

Ma túy được trộn vào thuốc lá điện tử với nhiều mùi vị. Ảnh: CACC

Không có căn cứ pháp lý để xử phạt mà phải dựa vào các văn bản khác

Thuốc lá điện tử là một ẩn họa cho thế hệ trẻ. Theo các chuyên gia, với thuốc lá điện tử, người hút dễ bị gây nghiện và tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường. Nghiên cứu cho thấy những người trẻ tuổi đã thử sử dụng thuốc lá điện tử thì có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 3,5 lần so với nhóm người không dùng thuốc lá điện tử.

Trong thuốc lá điện tử có tới 15.000 loại hương vị, nguy cơ trộn hương vị và cả chất ma túy; người hút dễ phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến phát triển trí não. Các chất độc được thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và trong khói. Vì vậy thuốc lá điện tử có hại cho cả người dùng và người xung quanh. Ngoài ra còn có nguy cơ chấn thương nghiêm trọng do cháy nổ pin…

Với thuốc lá nung nóng, các bằng chứng chỉ rõ, thuốc nung nóng cũng chứa nhiều chất độc hại giống như từ khói thuốc. Khói thuốc nung chứa nicotine. Đây là chất gây nghiện mạnh và có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Dù các sản phẩm thuốc nung được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá.

Các hóa chất có trong thuốc lá nung bao gồm: Acrolein, Chemicals, Acetaldehyde, Carbon monoxide, Nicotine... Một số hóa chất này được xếp vào nhóm gây ung thư. Dù các hóa chất này ở nồng độ thấp hơn, nhưng chúng không làm giảm nguy cơ.

Thực tế, nhiều vụ ngộ độc phải cấp cứu do người dùng sử dụng các loại thực phẩm, thuốc lá điện tử tẩm ma túy mà không biết. Nhiều học sinh đã hút phải thuốc lá điện tử chứa ma túy, dẫn đến ngộ độc, phải nhập viện cấp cứu.

Mặc dù các cơ quan chức năng liên tiếp phát đi những cảnh báo nguy hiểm của các loại ma túy trộn trong đồ uống, thực phẩm và tinh dầu thuốc lá điện tử, tuy nhiên thực tế, thuốc lá điện tử được rao bán tràn lan trên mạng và dễ dàng mua ở bất cứ đâu với đủ các loại hương vị.

Nhưng để xử lý thì hiện theo các cơ quan chức năng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, trong khi một số quốc gia đang phân loại quản lý thuốc lá thế hệ mới theo tác hại của từng sản phẩm, thì ở Việt Nam, chưa có khung pháp lý rõ ràng nào được ban hành để quản lý mặt hàng này.

Còn theo luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, các quy định liên quan đến trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử. Bên cạnh đó, thuốc lá thế hệ mới chưa được phân loại hàng hóa, định danh cụ thể tại Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu…

Quy định duy nhất trong pháp luật hiện hành là khoản 13, Điều 1 của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 106/2017/NĐ-CP. Khoản 13, Điều 1 Nghị định trên chỉ nêu: "Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức có liên quan nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử, trình Thủ tướng Chính phủ".

Vì vậy, đang có một khoảng trống pháp lý đối với việc quản lý, giám sát thuốc lá điện tử, không có căn cứ pháp lý để xử phạt các hành vi vi phạm, mà phải dựa vào các văn bản khác.

Đơn cử, đối với các hành vi kinh doanh thuốc lá điện tử mà không có giấy phép kinh doanh đều có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật, tùy tính chất, mức độ của hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 6, Nghị định 98/2020/NĐ-CP hành vi kinh doanh thuốc lá điện tử không có giấy phép kinh doanh, có giấy phép kinh doanh nhưng đã hết hiệu lực, hông đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động kinh doanh… có thể bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng, kèm theo các hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Trường hợp không có giấy phép kinh doanh mà vẫn cố ý kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử hoặc kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, được xem là hành vi buôn bán hàng cấm.

Người trộn ma túy vào thuốc lá điện tử với mục đích lôi kéo hoặc bán cho người khác sử dụng, tùy từng tính chất mức độ mà có thể bị xử lý hình sự về tội Mua bán trái phép chất ma túy hoặc tội Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Mức phạt của các tội danh này là rất nghiêm khắc.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tron-ma-tuy-vao-thuoc-la-dien-tu-khoang-trong-phap-ly-361482.html