Trở lại thác 3 tầng

Là nơi có không khí mát lạnh quanh năm, vùng đất 143 nay là thôn 11, xã Đa Kai (huyện Đức Linh) luôn cho những người đến đây cảm giác bất ngờ bởi sự thay đổi nhanh chóng, trù phú và tươi đẹp. Đó là hội tụ của sự hoang dã núi rừng, của vùng trái cây trù phú và những con người mến khách, thân thương. Chúng tôi trở lại vùng đất 143 thăm thác 3 tầng để được hòa mình cùng thiên nhiên và lắng nghe cuộc sống tươi đẹp nơi đây đang phát triển từng ngày.

Từ 1 vùng đất mà rất ít người biết đến của huyện Đức Linh, nay đã hình thành đơn vị hành chính và được gọi là thôn 11 thuộc xã Đa Kai. Vào những năm 2010, với những người yêu thích và khám phá những điều kỳ diệu từ thiên nhiên thì đây là điểm đến thật hấp dẫn. Vùng này không chỉ có thác, có rừng mà còn rất nhiều dược liệu quý. Vì yêu thích mà năm 2013, vợ chồng ông Mai Thành Lâm và chị Đặng Thị Bơ bắt đầu vào đây xây dựng khu nghỉ dưỡng và nuôi thử nghiệm cá tầm. Rất nhiều công sức, tâm huyết và vật chất, năm 2016 đã có nhiều người biết và đến tham quan. Xóm làng, vườn tược cũng bắt đầu hình thành và phát triển mạnh mẽ. Thôn 11 hiện có hơn 110 hộ dân với gần 400 khẩu, đời sống người dân dần ổn định và vươn lên làm giàu. Nhiều hộ dân đã có từ 2 - 3 ha sầu riêng và các loại cây ăn trái khác. Đây là địa bàn có tiềm năng và lợi thế để phát triển cây ăn trái chất lượng cao nhất của huyện Đức Linh.

Dọc theo ĐT 766, qua vùng đất Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đến QL 20, tại đây người dân địa phương gọi là ngã 3 cô đơn. Theo QL 20 hướng tỉnh Lâm Đồng, đến km 143 rẽ phải, đây chính là đường vào vùng đất 143. Ngày trước đường đi rất khó, nắng đi xe 2 cầu, mưa thì đi bộ, nhưng hiện nay thì đường xe vào tới nơi.

Điểm nhấn của vùng đất này chính là khu du lịch sinh thái: Thác 3 tầng. Gọi là khu du lịch sinh thái nhưng thực chất đây là trang trại rộng 14 ha của gia đình ông Mai Thành Lâm được đầu tư, xây dựng từ năm 2013. Trang trại này được xây dựng khá đẹp bởi chủ nhân của nó đầu tư theo hướng phát triển du lịch. Quang cảnh xung quanh thì hoa nở, hương đưa, không khí trong lành, khí hậu dịu mát.

Muốn đến thác 3 tầng, chúng ta phải qua 5 bể nuôi cá tầm thương phẩm của khu du lịch. Đây là mô hình nuôi cá tầm trong bể xi măng được thử nghiệm từ năm 2014. Nhờ nguồn nước sạch và nhiệt độ lý tưởng từ thác 3 tầng dẫn xuống nên cá tầm phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Cách hệ thống nuôi cá tầm chừng 500 m là thác 3 tầng, 1 ngọn thác thấp nhưng khá đẹp và lãng mạn. Nhờ khí hậu thích hợp nên ở đây các loài hoa nở quanh năm.

Thác 3 tầng là 1 ngọn thác có 3 tầng nước đổ và ngăn cách bởi các bờ đá và cây rừng. Đường lên thác không khó đi, chủ yếu là vượt qua những dốc đá nhỏ. Ở đây chúng tôi thấy khá nhiều cây thuốc nam quý như: Bạc hà núi, bìm bịp, sâm rừng... Vì thác không cao nên những dòng nước nhẹ nhàng trườn qua bờ đá nhấp nhô tạo nên những cơn sóng nước nhỏ, mát lạnh. Ở đây, người ta có thể tắm 1 cách thỏa thích mà không có sự nguy hiểm nào. Thác 3 tầng không hùng vĩ như những ngọn thác khác giữa đại ngàn nhưng sự an toàn của nó đã tạo nên 1 điểm đến lý tưởng.

Với diện tích 14 ha nên ở khu du lịch sinh thái này còn trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế rất cao như: Sao, giá tỵ. Cây ăn trái có sầu riêng, măng cụt, chôm chôm và bơ. Vào mùa tết là cam, quýt và bưởi. Thiên nhiên ở nơi đây không chỉ tốt cho 1 cuộc hành trình khám phá, nghỉ dưỡng mà còn là nơi để chúng ta tìm đến thưởng thức những đặc sản quê mình.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tro-lai-thac-3-tang-118501.html