Triển lãm hơn 100 tài liệu về lịch sử, nơi phôi thai chữ Quốc ngữ

Ngày 5-4, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc triển lãm tài liệu về lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ.

Các đại biểu tham quan khu vực triển lãm các sách, tài liệu liên quan chữ Quốc ngữ

Trong ngày khai mạc triển lãm, ban tổ chức bài trí, công bố hơn 100 tư liệu, hình ảnh, sách và các công trình nghiên cứu liên quan đến lịch sử hình thành, nơi phôi thai chữ Quốc ngữ đầu tiên ở thương cảng Nước Mặn (nay thuộc huyện Tuy Phước, Bình Định).

Đại biểu tham quan triển lãm

Triển lãm xoay quanh 4 chủ đề, gồm: vai trò chữ Quốc ngữ tại Việt Nam ngày nay; Bình Định trong dòng phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ; quá trình truyền bá chữ Quốc ngữ tại Bình Định; phát huy giá trị di sản văn hóa hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định.

Giữa năm 1618, các giáo sĩ phương Tây, như: Cristoforo Borri (người Ý), Francisco de Pina (Bồ Đào Nha), Francesco Buzomi (Ý) đã đến thương cảng Nước Mặn và được Cống quận công Trần Đức Hòa giúp đỡ cho nương thân.

Triển lãm hình ảnh liên quan đến cư sở Nước Mặn

Các tài liệu quý giá được triển lãm tại sự kiện

Về sau, để thuận lợi cho truyền giáo ở Nước Mặn, các giáo sĩ phương Tây đã tìm cách sáng tạo ra chữ Quốc ngữ bằng cách dùng chữ cái Latin rồi thông qua giúp đỡ của người dân, trí thức bản địa để ghi âm tiếng Việt.

Chữ Quốc ngữ phôi thai ở Nước Mặn, về sau giáo sĩ phương Tây Alexandre de Rhodes đã có công lớn kế thừa, hệ thống và xuất bản cuốn từ điển Việt – Bồ - La năm 1651 tại Roma, từ đây chính thức ra đời chữ Quốc ngữ.

Nhiều tài liệu, hình ảnh, mộc bản liên quan đến lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ

Tài liệu, hình ảnh về nhà in chữ Quốc ngữ đầu tiên ở đầm Thị Nại, Bình Định

Triển lãm kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6-2024.

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trien-lam-hon-100-tai-lieu-ve-lich-su-noi-phoi-thai-chu-quoc-ngu-post733969.html