Triển khai, ứng dụng đề tài mô hình nuôi dê lai ở Long Đức

Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở, thông qua Dự án xây dựng mô hình nuôi dê lai F1 (Boer x Bách thảo) đã triển khai trong năm 2023 cho các hộ ở xã Long Đức, thành phố Trà Vinh.

Mô hình nhằm giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng đa con, đa canh và tiếp cận khoa học - kỹ thuật... nâng cao hiệu quả chăn nuôi gắn với phát triển kinh tế hộ.

Anh Trần Minh Trí, Thú y viên xã Long Đức, phụ trách công tác quản lý dịch bệnh trong mô hình nuôi dê lai cho biết: đối với nghề nuôi dê ở địa phương tuy phát triển chưa nhiều (hiện toàn xã có tổng đàn khoảng 200 con dê), nhưng điều kiện về diện tích, thức ăn để nuôi dê khá phù hợp đối với người dân ở đây; hiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn khá lớn, nguồn thức ăn xanh cung cấp cho nuôi dê rất phong phú. Đây là mô hình nuôi theo hướng nhốt chuồng, quản lý khâu chăm sóc, phòng dịch bệnh… nếu có sự liên kết tốt về đầu ra sản phẩm (dê hơi, dê giống…) khi đó nông dân sẽ duy trì và phát triển mở rộng mô hình nuôi dê được thuận lợi hơn.

Dự án đã đầu tư 22 con dê cho 08 hộ tham gia mô hình ở các ấp: Công Thiện Hùng, Hòa Hữu, Kinh Lớn. Trong đó, dự án cung cấp 20 con dê sinh sản và 02 dê đực giống cho hộ dân. Ngoài cung cấp con giống và nguyên vật liệu cho các hộ; dự án còn tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê sinh sản… Đến đầu năm 2024, một số dê giống trong dự án đã sinh sản và cho 01 - 02 lứa dê con.

Anh Phan Văn Bảo, ấp Công Thiện Hùng, xã Long Đức chia sẻ: gia đình được dự án hỗ trợ 02 con dê cái; sau hơn 01 năm nuôi, đến nay đã được thêm 03 dê con. Ngoài ra, gia đình cũng đầu tư thêm đàn dê giống, có lúc tổng đàn lên 25 - 30 con. Về giá dê hơi trên thị trường hiện nay tuy giảm (dao động 65.000 - 70.000 đồng/kg dê hơi), nhưng mô hình nuôi dê vẫn có thu nhập. Hiện nay, vấn đề người nuôi dê gặp khó là đầu ra; việc xuất chuồng dê hơi ra thị trường còn chậm. Từ đó, khó kích cầu cho người nuôi dê.

Mô hình nuôi dê lai được dự án khoa học và công nghệ hỗ trợ đầu tư cho gia đình anh Phạm Văn Ninh.

Mô hình nuôi dê lai được dự án khoa học và công nghệ hỗ trợ đầu tư cho gia đình anh Phạm Văn Ninh.

Anh Phạm Văn Ninh, ấp Công Thiện Hùng, xã Long Đức là 01 trong 08 hộ được dự án đầu tư 02 con dê cái sinh sản và 01 dê đực giống. Theo anh Phạm Văn Ninh, mô hình nuôi dê nếu phát triển, đòi hỏi cần gắn kết khâu giải quyết đầu ra; có như vậy, việc phát triển đàn dê qua mô hình sẽ được nông dân nhân rộng.

Cũng theo anh Pham Văn Ninh, hiện gia đình đã đầu tư gần 100 triệu đồng để xây dựng chuồng nuôi dê, đảm bảo tổng đàn nuôi khoảng 40 - 50 con (trong đó có 10 - 15 con dê nái). Cùng với diện tích khuôn viên đất của gia đình hơn 02ha đã tạo điều kiện để đàn dê có khoảng không gian hoạt động; kết hợp với việc trồng cỏ, các loại thực phẩm xanh cung cấp thức ăn cho dê.

Cũng theo Thú y viên Trần Minh Trí, đối tượng con dê nuôi khá thuận lợi, ít bệnh và không đòi hỏi công chăm sóc nhiều. Tuy nhiên, người nuôi dê cũng cần chú ý, nhất là khâu chuồng nuôi phải đảm bảo không bị gió lùa và mưa tạt vào. Vào sáng sớm, không cắt cỏ và thức ăn xanh cho dê; phải đảm bảo trời khô mát và nắng lên mới đưa dê ra ngoài chuồng và thực hiện thu, cắt các loại cây lá dùng làm thức ăn cho dê; thường xuyên xử lý việc xổ sán, giun về đường ruột cho dê…

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/trien-khai-ung-dung-de-tai-mo-hinh-nuoi-de-lai-o-long-duc-34688.html