Trẻ em lên tiếng về vấn đề của trẻ em

Trẻ em tham gia thảo luận sôi nổi tại diễn đàn . Ảnh: KIM CHI

Với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”, nhiều vấn đề xuất phát từ cuộc sống đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ em đã được thảo luận sôi nổi tại Diễn đàn trẻ em tỉnh Phú Yên năm 2023.

50 thiếu nhi đại diện cho hơn 127.000 trẻ em lứa tuổi 11-16 trên địa bàn tỉnh vừa tham gia Diễn đàn trẻ em tỉnh Phú Yên năm 2023. Các em đã gửi nhiều thông điệp tới lãnh đạo tỉnh qua diễn đàn này.

Lắng nghe trẻ em nói

Một trong những vấn đề được các em quan tâm, đề cập tại Diễn đàn trẻ em tỉnh Phú Yên năm 2023 là các biện pháp bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo lực học đường và an toàn trên môi trường mạng.

Em Lê Hoàng Vân Khánh, Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ (Tỉnh đoàn) nêu vấn đề: “Hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em tham gia môi trường mạng. Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng biết cách bảo vệ mình trước những thông tin sai lệch trên mạng. Vậy có cách nào giúp các bạn tỉnh táo và cảnh giác trong môi trường mạng hay không?”.

Ông Hoàng Trần Vũ, Phó Trưởng phòng PA03 (Công an tỉnh) chia sẻ: “Những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em bị phát giác gần đây đều để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Một phần nguyên nhân do cha mẹ không quan tâm chú ý đến những thay đổi tâm sinh lý của con, chưa dành thời gian lắng nghe, chia sẻ những vấn đề con mình đang gặp phải…

Hơn bao giờ hết, mỗi trẻ em cần được trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân; phải tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội; không bình luận, a dua theo mạng xã hội. Bên cạnh đó, các em cũng cần chia sẻ những tâm tư, khó khăn đến người thân, cha mẹ… khi gặp phải vấn đề trong cuộc sống”.

Trả lời câu hỏi của em Trương Hoàng Quốc Anh (huyện Sơn Hòa) về tình trạng hiện nay trẻ em bỏ học sớm vì nhiều lý do khác nhau, giải pháp cấp bách cũng như lâu dài để giải quyết vấn đề này trong thời gian đến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái cho biết: Đây là vấn đề ngành Giáo dục rất quan tâm. Thời gian qua, tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng có giảm nhưng không nhiều, đặc biệt ở miền núi, vùng sâu vùng xa, tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng vẫn còn phổ biến do nhiều nguyên nhân như trẻ em lười học, gia đình khó khăn, các em phải đi làm để phụ giúp cha mẹ… Trước tình trạng đó, hằng năm, ngành GD-ĐT tỉnh đều tổ chức các đợt rà soát số học sinh có nguy cơ bỏ học giữa chừng, có kế hoạch phụ đạo, hỗ trợ để các em có cơ hội tiếp tục đến trường…

Em Võ Lê Như Quỳnh (Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ) quan tâm: “Trẻ em có quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, xâm hại hay làm tổn hại đến sự phát triển của trẻ. Thế nhưng, thực tế, vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng. Vậy theo các cô chú lãnh đạo cần có những giải pháp nào trước vấn nạn này?

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bạo hành do người quen biết hoặc người thân trong gia đình gây ra. Đây là vấn nạn đau lòng. Trước thực trạng đó, Sở LĐ-TB&XH cùng các ngành chức năng tham gia nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện các trường hợp có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nhất là trẻ em sống trong gia đình cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội.

Đồng thời, sở tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình; hướng dẫn gia đình, cơ sở giáo dục, nhà trường và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa tình trạng cha mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Bảo vệ trẻ bằng hành động

Tại diễn đàn, nhiều vấn đề xuất phát từ cuộc sống ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ em như trẻ em với vấn đề bảo đảm môi trường sống an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước… cũng được các em quan tâm thảo luận sôi nổi. Tất cả được truyền tải qua những bức tranh, tiểu phẩm, sản phẩm truyền thông sáng tạo.

Các thông điệp, ý kiến, nguyện vọng chính đáng đó được lãnh đạo các cấp, ngành lắng nghe, chia sẻ, ghi nhận, từ đó chuyển thành hành động tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền trẻ em, hoạch định các kế hoạch hành động vì trẻ em phù hợp với nguyện vọng của các em.

Em Lê Nguyên Trương (TP Tuy Hòa) bày tỏ: “Qua diễn đàn, chúng em học hỏi được nhiều điều từ ý kiến của các bạn, những thông tin, kiến thức từ các cô chú chuyên gia. Bản thân em học được cách chia sẻ để cha mẹ hiểu được suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình; cách bảo vệ mình nếu không may bị bạo lực, xâm hại, bị tấn công trên môi trường mạng…

“Thành công lớn nhất của diễn đàn là đã trang bị cho trẻ em kỹ năng, kiến thức để thực hiện quyền tham gia, nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề liên quan đến chính các em”, bà Phạm Thị Minh Hiền khẳng định và cho biết: Qua diễn đàn, các em đều tự tin, trưởng thành hơn, biết đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội.

Đây cũng là cơ hội để ngành chức năng lắng nghe, tìm ra giải pháp lâu dài nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình và của chính bản thân trẻ em trong việc thực hiện tốt Luật Trẻ em và quyền trẻ em tại cộng đồng.

Thông điệp “Hãy lắng nghe trẻ em nói, bảo vệ trẻ em bằng hành động” một lần nữa được nhấn mạnh, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, trong từng gia đình, thúc đẩy mỗi người lớn lắng nghe và hành động vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Em nghĩ rằng những thông điệp, những bài học từ diễn đàn cần lan tỏa rộng rãi để chúng em hiểu, ý thức hơn về quyền, trách nhiệm của mình cũng như tìm được cầu nối với phụ huynh, người lớn xung quanh.

Em Lê Phương Uyên (TX Đông Hòa)

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/300825/tre-em-len-tieng-ve-van-de-cua-tre-em.html