Trao yêu thương để còn mãi

Nhiều mảnh đời được hồi sinh sau ghép tạng từ người cho chết não tại bệnh viện tuyến tỉnh. Ðây là bước tiến lớn cả về mặt chuyên môn kỹ thuật của các bệnh viện tuyến tỉnh, cũng như tạo ra sự thay đổi lớn lao về mặt quan niệm sống của người dân về việc hiến tạng sau khi qua đời.

Ý nghĩa cho mình, cho người, sao lại không làm...

Gần 5 tháng trôi qua, vợ chồng bà Vũ Thị Tâm và ông Lê Văn Lành (trú xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) vẫn nhớ như in cú điện thoại từ cô con gái xin ý kiến bố mẹ hiến mô, tạng của a nh trai tên H. Anh H. là con cả trong gia đình có 3 người con của vợ chồng bà Tâm, ông Lành. Với trọng trách là người anh cả, anh H. vào Nam làm việc để lo cho bố mẹ và các em. "Trước ngày xảy ra biến cố, H. gọi điện tâm sự với mẹ cuối năm sẽ đưa người yêu về ra mắt và sửa lại mái nhà cho gia đình. Thế mà ước mơ nhỏ nhoi của cháu mãi mãi không thành", ông Lành bật khóc kể về đứa con hiếu thảo.

Ðã rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao vợ chồng ông Lành bà Tâm lại đưa ra quyết định hiến tạng của đứa con... Người thương binh với nụ cười hiền lành nhẹ nhàng nói: "Con trai tôi sống hiền lành tốt bụng, từ nhỏ H. luôn nghĩ đến người khác rồi giúp đỡ mà không nề hà việc gì. Cháu H. sống vì mọi người như thế nên khi về bên kia thế giới chắc chắn nó cũng muốn trao gửi những điều tốt đẹp và nhân văn ở lại trên cuộc đời này. Vì vậy, vợ chồng tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi thực hiện ước mơ cho con trai. Ý nghĩa cho mình, cho người, sao lại không làm...", ông Lành tâm sự.

Hai vợ chồng bà Tâm kể về nhiều chuyện buồn vui cùng người con trai. Ảnh: V.Đ

Hai vợ chồng bà Tâm kể về nhiều chuyện buồn vui cùng người con trai. Ảnh: V.Đ

Một thời gian ngắn sau hiến tạng, vợ chồng bà Tâm nhận được thông tin những người được ghép gan, thận của anh H. sức khỏe tiến triển tốt. Hai người nhận giác mạc đã được thấy ánh sáng sau 20 năm. "Nhận được những tin vui đó vợ chồng tôi trằn trọc suốt đêm. Ngày nào tôi cũng cầu khấn cho người được hiến mau hồi phục như mong con trai mình lúc khỏe mạnh để tiếp tục làm những điều có ích cho người khác", bà Tâm chia sẻ.

Vừa rồi vợ của người được ghép gan về thăm gia đình. Gặp bà Tâm, người vợ may mắn này cứ ôm chầm lấy khóc nức nở. Người phụ nữ giàn dụa trong nước mắt cho biết, chồng chị phải chờ đợt suốt 4 năm trời và nhiều lúc không còn hy vọng. Giờ được ghép gan, anh ấy như được tái sinh và xin gia đình cho hai vợ chồng được làm con nuôi.

Cho đi là còn mãi

Ngày 7/9/2023 là một ngày đặc biệt đối với Bệnh viện Hữu nghị đa khoa (HNÐK) Nghệ An, khi lần đầu tiên cùng lúc thực hiện lấy nguồn tạng từ người cho chết não để ghép cho 2 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Bệnh viện HNÐK Nghệ An, Chủ tịch Hội đồng Ðiều phối ghép tạng của bệnh viện chia sẻ: Bệnh nhân chết não là một thanh niên 18 tuổi ở thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. Khi em mất, với tâm nguyện hết sức nhân văn "cho đi là còn mãi" gia đình đã đề nghị được tình nguyện hiến tạng, bởi từ những bộ phận cơ thể của con, em họ sẽ giúp cho nhiều bệnh nhân khác được cứu sống. Ngay lập tức, bệnh viện đã liên hệ với Trung tâm Ðiều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và các trung tâm ghép tạng trong toàn quốc.

Ðược biết, đây là lần thứ 2, Bệnh viện HNÐK Nghệ An nhận được đơn tình nguyện xin được hiến tạng, hiến mô từ gia đình của người bị chết não. Trường hợp đầu tiên là một gia đình ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Ðây là trường hợp sau khi người thân mất, gia đình đã vận chuyển về Nghệ An, tuy nhiên, khi đến Thừa Thiên Huế thì các chỉ số của người cho không còn đảm bảo tốt nên ca lấy, ghép tạng buộc phải thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Hương, Bệnh viện HNÐK Nghệ An đã được Bộ Y tế cấp phép thực hiện ghép tạng từ năm 2019. Việc triển khai kỹ thuật lấy, ghép tạng của bệnh viện nằm trong chiến lược phát triển tỉnh Nghệ An trở thành Trung tâm Y tế kỹ thuật cao, chuyên sâu của khu vực Bắc Trung Bộ theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị nay là Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức và Trung tâm Ðiều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều ca ghép tạng từ người cho là người sống. Riêng đối với lấy, ghép tạng từ người cho chết não thì đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện.

Bệnh nhân Trần Văn Thuần đã hồi phục và mong ước sớm được thực hiện những dự định dang dở. Ảnh: PV

Bệnh nhân Trần Văn Thuần đã hồi phục và mong ước sớm được thực hiện những dự định dang dở. Ảnh: PV

Ðể thực hiện ca lấy, ghép tạng này, Bệnh viện HNÐK Nghệ An đã huy động 6 ê-kíp với gần 200 nhân viên y tế phối hợp cùng các chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, Trung tâm Ðiều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cùng tham gia thực hiện.

Việc triển khai thành công kỹ thuật không những khẳng định vai trò, vị trí của ngành Y tế Nghệ An mà còn giúp cho người dân trong khu vực có cơ hội ghép tạng mà không phải di chuyển xa, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị, đồng thời giảm tải cho tuyến trên.

Ghép thận đã đánh dấu bước tiến mới của bệnh viện tuyến tỉnh

Triển khai kỹ thuật ghép thận vào hoạt động khám chữa bệnh là một trong những bước tiến đột phá trong hành trình làm chủ kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bệnh nhân của Bệnh viện Hữu nghị (BVHN) Việt Tiệp (Hải Phòng).

TS.BS. Nguyễn Thế May - Phó Giám đốc BVHN Việt Tiệp cho biết: "Thực ra, ghép thận đã từng được BV triển khai từ năm 2005 nhưng lúc đó mới là kỹ thuật ghép thận tự thân (thận của người bệnh bị bệnh lý được đem xử lý và ghép lại người bệnh). Kể từ đó, BV cứ đau đáu ước mơ một ngày nào đó sẽ triển khai được thành công kỹ thuật ghép tạng, cụ thể là ghép thận từ người hiến sang người nhận ngay tại Hải Phòng.

Năm 2020, tròn 18 năm mong ước, BV bắt đầu lập đề án, chuẩn bị các hồ sơ cần thiết cho cuộc đột phá này.

Năm 2022, khi dịch COVID-19 đang diễn ra căng thẳng, cũng là lúc, một kíp nhân lực gần 40 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên lên đường đến BV Việt Ðức đào tạo chuyên sâu về ghép thận. Song song với đó, dưới Hải Phòng, BV vẫn tiến hành các bước cho việc triển khai hoàn tất hồ sơ ghép thận như nâng cấp phòng mổ, labo lâm sàng... để đáp ứng yêu cầu về việc phẫu thuật ghép thận.

Tháng 2/2023, BVHN Việt Tiệp chính thức được Bộ Y tế cấp phép đủ tiêu chuẩn triển khai ghép thận ngay tại bệnh viện. Với sự giúp sức của các chuyên gia đầu ngành về ghép thận BVHN Việt Ðức, ngày 6/6/2023 ca ghép thận đầu tiên đã diễn ra. Ðó chính là cặp ghép cùng huyết thống ở quận Kiến An Nguyễn Thành Ðạt hiến cho em Nguyễn Thành Ðàn 1 quả thận.

Ðánh giá về quá trình thực hiện kỹ thuật này, BS. May cho rằng, ngay từ năm 2016 BV đã đặt ra mục tiêu phẫu thuật ghép thận vì lượng bệnh nhân bị suy thận dần ghép khá lớn. Trung bình mỗi năm, BV phải chuyển khoảng 30 ca ghép thận lên Hà Nội thực hiện phẫu thuật thay thận (chưa tính số người tự đi không qua BV). Vì lẽ đó, việc triển khai ghép thận ngay tại BV giúp giảm chi phí, đi lại cho bệnh nhân không phải lên tuyến trên vất vả, tốn kém.

TS.BS. Ðỗ Mạnh Thắng - Giám đốc BVHN Việt Tiệp chia sẻ thêm: "Qua 6 tháng triển khai, đã có 3 cặp ghép tạng được thực hiện và tất cả đều thành công tốt đẹp. Hiện còn 2 cặp ghép đang chờ để thực hiện. Qua các lần tái khám cho thấy, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục tốt, có tinh thần lạc quan và có người đã tìm được việc làm cho mình, ổn định cuộc sống.

Ðể hỗ trợ cho việc ghép thận tại BV, chúng tôi cũng đã thành lập tổ tư vấn hiến thận. Nhờ đó tìm được nguồn thận, giúp người bệnh có cơ hội được ghép sớm hơn. BV cũng tăng cường tuyên truyền, vận động từ chính người nhà của người bệnh như bố, mẹ, anh, chị em ruột... vì cho xác suất, tỉ lệ thích hợp cao hơn, không phải chờ đợi lâu".

Tái sinh những cuộc đời

Sau khi được ghép thận, cuộc sống của những bệnh nhân nhận thận đã thực sự đổi khác. Không chỉ khỏe mạnh lên, tinh thần của họ còn tràn đầy khát vọng, mong ước thực hiện được những điều từng bỏ dở trước đây.

Chia sẻ cảm xúc sau khi được ghép thận, bệnh nhân Trần Văn Thuần, 31 tuổi (quận Dương Kinh, Hải Phòng) xúc động bày tỏ: "Em giờ rất vui vẻ và cảm thấy sức khỏe đang trở lại bình thường. Công việc đánh bắt thủy sản thì chưa thể đi làm được ngay nhưng hàng ngày vẫn giúp vợ đưa đón con đi học, giặt giũ, nấu nướng, chăm sóc vườn cây. Cuộc sống giờ thấy ý nghĩa lắm. Em đang mong chờ tới ngày hồi phục hoàn toàn để bắt đầu công việc trở lại. Hiện, mỗi tháng em phải lên BV Việt Ðức kiểm tra sức khỏe 1 lần và nhận thuốc về uống. Các bác sĩ dưới BVHN Việt Tiệp thì thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm, nhắc nhở cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe sau ghép rất tận tình. Em vô cùng biết ơn".

Hai bệnh nhân được ghép thận ngày 7/9/2023 tại Bệnh viện HNÐK Nghệ An, một người ở tỉnh Thừa Thiên Huế và người kia ở Bình Ðịnh. Cả hai đều có hoàn cảnh khó khăn, mưu sinh với công việc bấp bênh lại mang bên mình căn bệnh suy thận giai đoạn cuối. Thế nhưng, họ đã được hồi sinh sau khi người thân của bệnh nhân chết não trước đó đồng ý hiến tặng các bộ phận tạng của con em mình để cứu sống những bệnh nhân khác.

Kíp phẫu thuật của BVHN Việt Tiệp thực hiện ghép thận cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Kíp phẫu thuật của BVHN Việt Tiệp thực hiện ghép thận cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Với sinh mệnh như "đèn treo trước gió", những người nhận được tạng hiến sau khi ghép đều xúc động gửi lời cảm ơn tận đáy lòng tới chàng thanh niên 18 tuổi - người đã sinh ra họ lần thứ 2 và cho họ một cuộc sống mới...

Anh Nguyễn Ðức Quân (xã Cát Thành, huyện Vũ Cát, tỉnh Bình Ðịnh) xúc động cho biết: "Nhà tôi nghèo, không có tiền để ghép thận với lại nguồn thận hiến để ghép rất ít, trong khi đó bệnh tình ngày càng nặng lên, nên khi nghe tin có người hiến thận cho mình, tôi rất phấn khởi vì hy vọng sức khỏe mình có thể trở lại như người bình thường, các triệu chứng của bệnh sẽ thuyên giảm hoặc không còn nữa. Tôi thật may mắn... cảm ơn người hiến và các y bác sĩ rất nhiều".

Cùng cảnh ngộ, anh Lưu Tuấn Thành (ở TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ: "Hiện tại, tôi bị suy thận giai đoạn cuối nên sức khỏe không ổn định, sau khi nghe thông tin có người hiến tạng ở Nghệ An, tôi đã được theo đoàn bác sĩ từ Huế ra đây. Tôi rất vui mừng khi được chọn là người được ghép tạng lần này, tôi xin cảm ơn gia đình bệnh nhân hiến tạng và các bác sĩ quan tâm hỗ trợ...", anh Thành xúc động.

Từ Thành - Minh L ý- Vũ Ðồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trao-yeu-thuong-de-con-mai-169240203100144534.htm