Tranh cãi trái chiều việc ưu tiên chứng chỉ tiếng Anh trong tuyển sinh lớp 10

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản yêu cầu các địa phương không được 'xé rào' khi sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển vào lớp 10. Điều này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Thí sinh dự thi vào lớp 10. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thí sinh dự thi vào lớp 10. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương không được xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào lớp 10 theo chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và giải các kỳ thi cấp tỉnh đang nhận được sự quan tâm của công luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Chặn “vượt rào” xét tuyển

Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã công bố phương án xét tuyển vào lớp 10, trong đó có các chính sách ưu tiên tuyển sinh dựa trên giải các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Tỉnh Tuyên Quang tuyển thẳng vào lớp 10 các trường trung học phổ thông đối với học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh; học sinh có chứng chỉ Tiếng Anh: Điểm IELTS Academic đạt 5.0 điểm trở lên do British Council (BC) hoặc International Development Program (IDP) cấp; TOEFL iBT đạt 59 điểm trở lên do Educational Testing Service (ETS) cấp. Với Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú và Trường Trung học phổ thông Chuyên của tỉnh, ngưỡng điểm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được quy định cao hơn.

Địa phương này cũng quy định điểm khuyến khích cho các học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ở mức điểm thấp hơn ngưỡng điểm tuyển thẳng.

Quảng Trị tuyển thẳng học sinh đoạt giải Nhất trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hóa lớp 9 cấp tỉnh của tỉnh Quảng Trị có môn đăng ký dự tuyển vào Trường chuyên trùng với môn đoạt giải. Ngoài ra, học sinh đoạt giải Nhất môn Toán hoặc Vật lý được đăng ký tuyển thẳng vào môn chuyên Tin học; giải Nhất môn Hóa học được đăng ký tuyển thẳng vào môn chuyên Sinh học; giải Nhất môn Ngữ văn hoặc Tiếng Anh được đăng ký tuyển thẳng vào môn chuyên Lịch sử hoặc Địa lý.

Đối với môn Tiếng Anh, thí sinh được quyền đăng ký miễn thi và được tính điểm để tham gia xét tuyển vào lớp 10 khi có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Một số địa phương chưa công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm nay nhưng đã áp dụng các chính sách tuyển thẳng, ưu tiên hoặc quy đổi điểm với học sinh có chứng chỉ quốc tế từ các năm trước như Nghệ An, Vĩnh Phúc, Lào Cai…

 Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ngày càng trở nên căng thẳng khi có tính cạnh tranh rất cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ngày càng trở nên căng thẳng khi có tính cạnh tranh rất cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản “chấn chỉnh.” Theo đó, Bộ đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn theo đúng quy định tại Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, chỉ tuyển thẳng với học sinh dân tộc nội trú, học sinh khuyết tật, học sinh người dân tộc rất ít người, học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế; chỉ cộng điểm ưu tiên cho các đối tượng chính sách.

Nên cấm hay hạn chế?

Văn bản “tuýt còi” trong tuyển sinh lớp 10 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của công luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Chị Nguyễn Thu Hương (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) cho rằng sự can thiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hợp lý. Theo chị Hương, việc ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ thì sẽ có lợi cho học sinh thành phố, những gia đình có điều kiện kinh tế và thiệt thòi cho học sinh vùng nông thôn vì việc học và thi các chứng chỉ này khá tốn kém. Trong khi đó, cuộc cạnh tranh một suất vào học lớp 10 trường công ngày càng gắt gao hơn.

“Mỗi lần thi đã mất 4-5 triệu đồng, học sinh còn phải tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để học thêm, ôn luyện, chưa kể việc đi lại khó khăn nếu nhà ở xa trung tâm. Vì vậy, không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con đi học,” chị Hương nói.

Đây cũng là chia sẻ của anh Phạm Trung Quân (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Theo anh Quân, việc tuyển thẳng hay ưu tiên xét tuyển bằng chứng chỉ Ngoại ngữ không chỉ làm mất sự công bằng trong cạnh tranh giữa các thí sinh có các điều kiện kinh tế khác nhau mà còn thúc đẩy tình trạng học lệch trong khi ngành giáo dục đang hướng tới giáo dục toàn diện.

“Hiện học sinh lớp 8, 9 đã chỉ tập trung vào ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Nếu xét tuyển lớp 10 bằng chứng chỉ Tiếng Anh thì các em sẽ chỉ tập trung vào một môn học này,” anh Quân nói.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, lãnh đạo một Sở Giáo dục và Đào tạo lại cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sửa đổi quy định để thích nghi với yêu cầu, tạo động lực cho học sinh học Ngoại ngữ thay vì can thiệp vào việc tuyển sinh lớp 10 của các địa phương.

Trước băn khoăn của các phụ huynh về tính công bằng trong tuyển sinh, vị này cho rằng tuyển sinh lớp 10 khác với tuyển sinh đại học ở việc có tính khu trú địa phương cao. Học sinh nông thôn có ít điều kiện kinh tế và điều kiện địa lý để tiếp cận với việc học và thi chứng chỉ Ngoại ngữ hơn so với học sinh thành thị nhưng đa số học sinh sẽ thi tuyển lớp 10 trong khu vực nông thôn, nghĩa là cạnh tranh với nhóm cùng điều kiện.

“Đề thi các chứng chỉ quốc tế sử dụng tiếng Anh là công cụ nhưng nội dung đề cập đến kiến thức của nhiều lĩnh vực. Để có điểm cao, các em cũng cần có tư duy tốt, có kiến thức đa dạng. Vì vậy, tôi cho rằng cũng không lo lắng các em học lệch,” vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo này chia sẻ.

Theo đó, ông đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo thay vì cấm các địa phương xét tuyển dựa trên chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế thì có thể quy định về ngưỡng điểm cũng như tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển để vừa đảm bảo sự công bằng trong tuyển sinh nhưng vẫn tạo động lực cho học sinh học Ngoại ngữ - môn học vốn là điểm yếu của ngành giáo dục hiện nay./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tranh-cai-trai-chieu-viec-uu-tien-chung-chi-tieng-anh-trong-tuyen-sinh-lop-10-post930128.vnp