Tránh các điểm nghẽn để doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn

Ngoài tình trạng ứ đọng nguồn vốn thì vẫn còn đó những khúc mắc về mặt điều chỉnh chính sách, trong đó thuế là một điển hình. Điều này như các điểm nghẽn cần tránh để cho doanh nghiệp Việt phục hồi nhanh hơn khi nền kinh tế đang dần khởi sắc trong năm nay.

Chia sẻ mới đây với một nhóm các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ ở Tp.HCM, Ts. Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên gia tài chính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đã nêu rõ một sự thật trớ trêu là các ngân hàng đang có rất nhiều nguồn vốn, nhưng mặt khác, các DN (nhất là những DN vừa và nhỏ), lại không tiếp cận được nguồn vốn.

Trớ trêu ứ đọng nguồn vốn

Theo ông Chí, năm nay chính sách tín dụng không nên để dồn cục vào ba tháng cuối năm như hồi năm rồi. Và đặc biệt là không nên để xảy ra tình trạng ứ đọng về nguồn vốn đang xảy ra như hiện nay. Trong khi đó, năm 2024 này chủ trương về chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là tăng trưởng tín dụng từ 14% đến 15%.

Sự thật trớ trêu là trong khi cácDN vừa và nhỏ thiếu vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh thì các ngân hàng lại đang có rất nhiều vốn.

Còn đứng ở góc độ là Phó chủ tịch Hiệp hội DN Tp.HCM (Huba), khi góp ý tại buổi giám sát của Quốc hội trong thượng tuần tháng 3/2024 với UBND TP.HCM đối với tình hình thực hiện Nghị quyết 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ông Phan Đình Tuệ cho biết do cả ngân hàng cổ phần và DN e ngại vay vốn sợ phúc tra sau này phải hoàn lại nên các ngân hàng cổ phần ít tham gia vào chính sách hỗ trợ lãi suất 2% và chỉ có một số ngân hàng quốc doanh thực hiện.

Trước một thực tế như vậy nên gần đây phía Huba đã chủ động thúc đẩy giải pháp hỗ trợ vốn cho DN theo Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM. Như hồi tháng 2/2023, hiệp hội này cùng với Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) đã ký thỏa thuận hợp tác đồng hành và hỗ trợ DN trong việc tiếp cận và tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất của Thành phố.

Theo đó, hai bên cam kết sẽ tiếp cận và tham gia Chương trình hỗ trợ lãi suất từ khâu xúc tiến, tư vấn hỗ trợ DN đúng lĩnh vực và pháp lý, đảm bảo hiệu quả đầu tư và kỳ vọng đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên. Phía Huba sàng lọc và giới thiệu DN tiềm năng, đáp ứng đủ điều kiện cho vay của HFIC nhằm tham gia Chương trình hỗ trợ lãi suất. Còn HFIC với vai trò là tổ chức cho vay sẽ tiếp nhận thông tin nhu cầu vay vốn của DN từ phía hiệp hội để xem xét cho vay theo đúng quy định được ban hành.

Ngoài vấn đề về nguồn vốn, để DN sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh hơn khi kinh tế dần khởi sắc đang rất cần tránh các điểm nghẽn về mặt điều chỉnh chính sách.

Đơn cử như theo chương trình sửa đổi các luật thuế trong năm 2024, dự án luật thuế Giá Trị Gia Tăng (GTGT) sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (diễn ra vào tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10/2024).

Hiện nay một số hiệp hội DN đang cấp tập ghi nhận ý kiến đóng góp từ các DN thành viên là đối tượng chịu tác động đối với dự án luật này. Nhất là xem xét việc đảm bảo tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của DN hay không.

Trong bản Dự thảo của luật thuế GTGT (sửa đổi), điều mà các DN cần lưu tâm là có nhiều sửa đổi như: Bỏ quy định về hóa đơn, chứng từ; mở rộng phạm vi người nộp thuế GTGT; thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT; sửa đổi, bổ sung quy định về giá tính thuế; đối tượng áp dụng thuế suất 0%, 5%; khấu trừ thuế GTGT đầu vào (trường hợp, điều kiện áp dụng, xử lý thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ); phương pháp khấu trừ thuế; phương pháp tính trực tiếp trên GTGT; hoàn thuế GTGT đối với một số cơ sở kinh doanh, dự án đầu tư; thời điểm xác định thuế GTGT…

Điều chỉnh thuế nên hợp lý hơn

Dựa theo bản Dự thảo này, có thể thống kê các dịch vụ dự kiến chịu thuế GTGT 10%, bao gồm: Sửa chữa máy móc, thiết bị tại doanh nghiệp EPE (DN chế xuất) và sửa chữa máy móc thiết bị cho EPE tại nội địa; Cung cấp suất ăn công nghiệp; Vệ sinh, bảo vệ; Điện; Nước sạch; Cây xanh, chăm sóc cây cảnh; Tuyển dụng lao động; Vận tải nội địa (Chở hàng hóa từ nội địa đến cho EPE và ngược lại; Tư vấn Luật; Thuê kho, cảng, bến bãi; Xử lý nước thải; Phí quản lý hạ tầng khu công nghiệp…

Có thể thấy bản Dự thảo luật nêu trên sẽ ảnh hưởng đến tất cả các DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

Qua trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Việt Á, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, cho biết điều mong mỏi khi sửa đổi luật thuế GTGT là cần phù hợp chiến lược phát triển kinh tế quốc gia và hài hòa lợi ích nhu cầu, nguyện vọng, mức sống của người dân. Và thông qua đó giúp cho việc phục hồi của DN nhanh hơn trong bối cảnh còn đầy thách thức như hiện nay.

Cũng theo ông Tuấn, ngoài việc sửa đổi luật thuế GTGT thì cần sớm giảm thuế Thu nhập DN theo nội dung trong luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa để phù hợp với tình hình mới.

Ngoài ra, như đề xuất của ông Tuấn, nên xem xét sửa luật thuế Thu nhập cá nhân và nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tốc độ trượt giá, chi phí sinh hoạt tăng để giúp người làm công ăn lương giữ lại được thêm một phần “túi tiền” và giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, từ đó giúp sản xuất kinh doanh của các DN khởi sắc hơn. Bên cạnh đó, để các DN “dễ thở” thì có thể gia hạn chậm nộp thuế đến hết năm nay thay vì gia hạn đến tháng 6/2023.

Đối với thuế Thu nhập DN, qua phản ảnh của các DN cho thấy đã phát sinh bất cập rất cần sớm sửa đổi, bổ sung. Với quy định mức suất thuế Thu nhập DN áp dụng “cào bằng” 20% được cho không công bằng đối với DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nếu không thay đổi thì loại hình DN này sẽ khó phục hồi, không lớn lên được. Trong khi đó số lượng DN nhỏ và siêu nhỏ hiện chiếm hơn 93% tổng số DN thành lập và đang hoạt động.

Ngoài vấn đề về thuế, trách nhiệm của bộ ngành trong khâu điều chỉnh chính sách cũng còn nhiều điều đáng bàn. Như lưu ý mới đây của ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có hiện tượng soạn thảo các văn bản lại bổ sung rào cản mới khi đang trong quá trình rà soát cắt giảm các văn bản hiện hành.

Nói chung, với kỳ vọng kinh tế khởi sắc trở lại trong năm nay, là động lực để các DN Việt phục hồi nhanh hơn thì rất cần tránh những điểm nghẽn trên đường đi của họ. Từ việc giải quyết ứ đọng nguồn vốn, cho đến tính hợp lý, khả thi của việc điều chỉnh chính sách nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của DN là điều rất cần thiết trong lúc này.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tranh-cac-diem-nghen-de-doanh-nghiep-phuc-hoi-nhanh-hon-1098549.html