Trận Điện Biên Phủ nhìn từ dấu tích nơi chỉ huy của Tướng Giáp và Tướng Đờ Cát

Sau 70 năm, dấu tích Sở chỉ huy Mường Phăng và hầm Đờ Cát vẫn hiện diện trên mảnh đất lòng chảo để thế hệ sau thấy được tương quan lực lượng của quân ta và thực dân Pháp trong trận quyết chiến Điện Biên Phủ.

XEM CLIP:

17h30 ngày 7/5/1954, ông Tạ Quốc Luật, Chỉ huy trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, đã bắt sống Tướng Đờ Cát tại bàn làm việc trong hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng được cắm trên nóc hầm Đờ Cát, đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trên phương diện quốc tế, chiến dịch này có ý nghĩa rất lớn, đi vào lịch sử nhân loại. Đã 70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, dấu tích hai vị trí chỉ huy của Việt Minh và thực dân Pháp đến nay vẫn như một chứng nhân lịch sử về việc lấy yếu thắng mạnh.

Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do Tướng Đờ Cát làm tổng chỉ huy từng được xây dựng cực kỳ kiên cố; còn Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đồng đội làm việc thì ẩn mình trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn thuộc xã Mường Phăng với những lán lá đơn sơ.

Tháng 4/2024, PV VietNamNet ghi nhận hiện trạng hầm Đờ Cát và Sở chỉ huy Mường Phăng:

Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nằm ở trung tâm lòng chảo tỉnh Điện Biên. Đây là nơi làm việc và nghỉ ngơi của Tướng Đờ Cát (De Castries) cùng Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai và những bãi mìn dày đặc, bốn góc là bốn xe tăng và phía Tây là trận địa pháo bảo vệ.

Lán làm bằng tre, nứa, lá - là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hầm Đờ Cát gọi theo tên của Tướng Đờ Cát, được xây dựng kiên cố, nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên. Đến nay, hầm vẫn giữ nguyên cấu trúc và cách bố trí.

Cạnh nơi làm việc và nghỉ ngơi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hầm trú ẩn đào xuyên qua lòng núi. Những lúc quân Pháp ném bom dữ dội, Đại tướng làm việc và nghỉ ngơi trong hầm trú ẩn này.

Hầm Đờ Cát có chiều dài 20m và chiều rộng 8m, bên trong hầm có 4 gian dùng làm nơi ở và làm việc. Tại căn hầm này, Tướng Đờ Cát đã tiếp đón nhiều quan chức cấp cao của Anh, Pháp, Mỹ và các nhà báo lên thăm Điện Biên Phủ.

Bàn làm việc - cũng là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp các chỉ huy, chiến sĩ.

Trước đây có một đường hào có mái che nối liền hầm Đờ Cát với lô cốt trên đồi A1. Quân Pháp đã dùng các bao cát và ván gỗ để dựng nên đường hào.

Từ lán Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông sang lán Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và lán cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh là một đường hầm dài 69m. Đường hầm cao 1,7m, rộng từ 1-3m, giữa đường hầm có một phòng họp diện tích 18m2 và 5 vị trí đặt máy thông tin liên lạc.

Căn hầm xuyên núi được gia cố bằng vách đất và chống đỡ bằng gỗ, tre.

Căn hầm xuyên núi, thông từ lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến lán của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, tới các điểm khác như nơi làm việc của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, lán làm việc của Trưởng ban thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy… tất cả vẫn còn nguyên vẹn dấu tích lịch sử.

Vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954, ông Tạ Quốc Luật, Chỉ huy trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã bắt sống Tướng Đờ Cát tại bàn làm việc trong căn hầm bê tông cốt thép. Ngay sau đó, lá cờ quyết chiến, quyết thắng đã được cắm trên nóc hầm Đờ Cát, đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tran-dien-bien-phu-nhin-tu-dau-tich-noi-chi-huy-cua-tuong-giap-va-tuong-do-cat-2273054.html