Trận Điện Biên Phủ đã đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một vị tướng huyền thoại của thế kỷ XX

Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với những chặng đường đấu tranh cách mạng gian lao, anh dũng, kiên cường mà hào hùng của Nhân dân ta. Tên tuổi của Đại tướng gắn liền với những chiến thắng vang dội trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại; đặc biệt là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 'Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng. Ảnh: Lê Dung

Cuối năm 1953, Pháp mở cuộc hành quân chiến lược đánh chiếm và xây dựng tại lòng chảo Mường Thanh một tập đoàn cứ điểm hùng mạnh; Pháp huy động tất cả lực lượng tinh nhuệ tới đây với âm mưu thu hút Việt Minh để đấu trận quyết chiến chiến lược “nghiền nát Việt Minh”, quyết định số phận của cuộc chiến.

Theo đánh giá của các tướng lĩnh, các nhà khoa học quân sự Pháp và Mỹ, đây là “Pháo đài khổng lồ, không thể công phá”, là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, hiện đại nhất thế kỷ XX (kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II); Tướng Giáp sẽ “không dám chấp nhận giao chiến”, nếu tiến công vào Điện Biên Phủ sẽ đi vào con đường tự sát; Đại tướng Henri Navarre, Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, nói với Đoàn cố vấn quân sự Hoa Kỳ, đến thăm và tham kiến rằng: “Đây là cái bẫy nhử Việt Minh vào”(1) để nghiền nát.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp, hạ quyết tâm: “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”; Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ Tổng Chỉ huy, kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch và thực hiện theo phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”, thời gian dự kiến 3 đêm 2 ngày. Trước khi lên đường đi chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như hiểu được nỗi băn khoăn của Đại tướng trước trọng trách nặng nề của dân tộc, Bác đã nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Bác đã dặn dò: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”(2).

Ra đến mặt trận, Đại tướng nhận được “Thư nghênh chiến” của Đờ Cát, Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; nội dung thư viết: “Gửi Tướng Giáp!... Để đọ tài tại Điện Biên Phủ, Ngài đưa nhiều Đại đoàn tinh nhuệ, với vũ khí hùng hậu và hứa với bộ đội và dân chúng sẽ ăn Tết tại Điện Biên Phủ! Tết sắp đến nơi... Đại tướng nên giữ lời! Còn chờ gì nữa mà Đại tướng chưa cho quân xuất trận! Mời Đại tướng cứ đến! Tôi chờ Đại tướng!”(3). Đây là Thư thách đánh! Đại tướng nhận thấy địch không còn ở trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố; công tác chuẩn bị cho chiến dịch của ta còn nhiều khó khăn; bộ đội ta chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm; đánh hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn. Bộ đội ta chỉ quen đánh ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu; chưa có kinh nghiệm đánh công kiên ban ngày trên địa hình rộng, bằng phẳng, trống trải; nay phải chiến đấu liên tục 2 ngày 3 đêm với quân Pháp ưu thế vượt trội về hỏa lực, công sự. Nếu đánh theo phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sẽ thương vong nhiều và khó giành thắng lợi.

Bằng nhãn quan của một nhà quân sự thiên tài trong nhận định, đánh giá, dự báo chiến lược của quân Pháp; sau nhiều đêm suy nghĩ, dằn vặt, thức trắng, Đại tướng cho rằng để bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch, phải thay đổi phương châm từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Tuy thay đổi này sẽ đặt ra rất nhiều khó khăn mới, vì toàn mặt trận đã chuẩn bị theo phương án đánh nhanh, bộ binh đã triển khai đội hình, pháo binh đã vào trận địa, nay lại phải kéo pháo ra, mọi việc phải chuẩn bị lại từ đầu, phát sinh khó khăn chồng chất, tư tưởng bộ đội dễ hoang mang. Đây là một “Quyết định lịch sử” sáng suốt, sắc sảo, bản lĩnh, quyết đoán, táo bạo; thể hiện trách nhiệm trước Nhân dân và lịch sử và cũng là “Quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng.

Với phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, ta đã điều chỉnh lực lượng và thế trận; chia cắt, cô lập địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; cắt chi viện đường không “dạ dầy con Nhím”, thực hiện “cuộc chiến hầm hào” như sợi dây thòng lọng, siết chặt cổ “con Nhím khổng lồ”! Với lối đánh bóc vỏ, vây hãm, cô lập, siết chặt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt, đẫm máu tại “Chảo lửa Mường Thanh”; đến 15 giờ ngày 7/5/1954, Ðại tướng ra lệnh: Tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Ðiện Biên Phủ: "Không cần đợi trời tối,... đánh mạnh, vây chặt, không để cho Tướng Ðờ Cát chạy thoát"(4). Thực hiện mệnh lệnh, các đại đoàn, chiến sĩ toàn mặt trận, dũng mãnh công kích, xốc tới tiêu diệt các mục tiêu được phân công, đánh chiếm Sở Chỉ huy địch, bắt sống Tướng Ðờ Cát cùng toàn bộ ban tham mưu tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ.

Chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng thể hiện sự nổi trội về nghệ thuật chiến tranh Nhân dân, sử dụng lực lượng; nghệ thuật “lấy yếu thắng mạnh”, biến nguy thành an, lật ngược thế trận, “Biến kẻ cài bẫy thành mắc bẫy” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tướng Peter MacDonald, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự (Anh), trong tác phẩm “Võ Nguyên Giáp, một sự đánh giá”, nhận xét: “Cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn nhất của mọi thời đại... Ông là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh... khó có vị tướng nào trên thế giới có thể so sánh được với ông...”; Peter MacDonald viết: “Ðiện Biên Phủ là cái bẫy do Pháp lập ra, dụ Việt Minh vào để “Nghiền nát”, nhưng không phải là cái bẫy cho Việt Minh mà là “Cái bẫy cho quân Pháp” và chính quân Pháp đã bị đại bại thảm hại tại cái bẫy đó”(5).

Tướng Ducan Townson, tác giả cuốn “Những vị tướng lừng danh”, Nxb London, viết: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, kể từ thời Alexandre Đại đế đến Hanniban rồi đến thời cận hiện đại với Kutudốp, Giu cop... những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”(6).

Trong cuốn Bách khoa quân sự Bộ quốc phòng (Mỹ), năm 1993 viết: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật... sức mạnh áp đảo về quân sự và khổng lồ về hỏa lực của phương tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy Sử”(7).

Nhà sử học quân đội Mỹ Cecil Curay trong tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá- Đại tướng Võ Nguyên Giáp thiên tài của Việt Nam”, nhận xét: “Tướng Giáp là một “ngọn núi lửa phủ tuyết”, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và một trong những thiên tài lớn nhất của các thời đại... Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính... mà vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế chế Nhật, quân đội Pháp (một đế chế thực dân) và quân đội Mỹ (một siêu cường thế giới)... Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh Nhân dân... là một vị tướng hậu cần của mọi thời đại”(8). Những thách thức mà Võ Nguyên Giáp gặp phải đã khiến ông trở thành “Người thầy của chiến thuật, chiến lược và hậu cần. Ông phát minh ra một kiểu tác chiến, chiến thuật mà cả Pháp lẫn Mỹ đều không thể thắng được”(9).

Đại tướng Westmoreland (cựu Tổng chỉ huy Quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam) thừa nhận: “Ông Giáp có tất cả những đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính cương quyết, sức mạnh tinh thần, trí thông minh và khả năng hành động”; “Tên của ông được nghe nhiều nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam...; Vì ông đã đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ. Người Mỹ sống trong “Cơn ác mộng Điện Biên” và khi tình hình bắt đầu xấu đi, họ bảo “Ồ, ông Giáp lại đang chuẩn bị cho một Điện Biên mới”; hoặc đơn giản: “Giáp đấy”. Họ bàn về Giáp khi Việt Cộng tiến công Tết Mậu thân 1968; họ tiếp tục nói về Giáp khi Việt Cộng lấy Huế và bao vây Khe Sanh. Họ sẽ nói về Giáp nhiều năm nữa. Cái tên ngắn và khô như một cái tát vào mặt, như một sự đè nẹt lơ lửng trên đầu. Anh có thể dọa bọn trẻ con “Tôi gọi ông ba bị đến bây giờ”; anh cũng có thể dọa Người Mỹ bằng cách thì thào “Ông Giáp đến đấy”(10). Đại tướng, Giáo sư Robert McNamara (cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ) gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng “Vị tướng Huyền thoại của thế kỷ XX”.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm về Điện Biên Phủ vẫn vang mãi! Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống mãi cùng lịch sử như một biểu tượng về một thiên tài quân sự, một vị tướng huyền thoại của thế kỷ XX. Một nhân cách bao dung, đạo đức trong sáng, phong cách giản dị và nhân văn cao thượng. Lòng ngưỡng mộ, kính trọng, nể phục đó không chỉ đối với Nhân dân Việt Nam, Nhân dân tiến bộ trên thế giới mà ngay cả giới tướng lĩnh, các nhà quân sự sừng sỏ, danh tiếng trên thế giới, kể cả trước đây đã từng đối đầu trên hai chiến tuyến cũng phải cúi đầu “Kính trọng, khâm phục, khiếp sợ”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vĩnh biệt chúng ta! Tên tuổi của Đại tướng sống mãi trong lòng dân Nhân dân Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới. “Tượng đài của Đại tướng trong lòng Nhân dân” sống mãi theo năm tháng, trường tồn cùng tuế nguyệt và đi vào huyền thoại theo lịch sử của dân tộc và nhân loại.

Bùi Khắc Hằng

(Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy)

(1) Trong Hồi ký “Đông Dương hấp hối” 1953-1954 của Tướng Henri Navarre, Nxb Plông Pa-ri.

(2), (3) Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Ðiện Biên Phủ, Ðiểm hẹn lịch sử, Hồi ức (Hữu Mai), Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.372; 373.

(4), (5), (6), (7), (8), (9), (10) Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Nxb Plông Pa-ri 2009; tr155; 162; 22; 222; 223.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tran-dien-bien-phu-da-dua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-nbsp-tro-thanh-mot-vi-tuong-huyen-thoai-cua-the-ky-xx-213503.htm