Trận chiến cuối cùng!

Ngày này cách đây 70 năm, vào hồi 16 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến, quyết thắng đã tung bay trên nóc hầm Christian de Castries, Chỉ huy quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, báo hiệu quân ta đã giành toàn thắng, kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

…Từ sáng sớm ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên cao điểm A1 báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm.

Nhưng trận đánh trên đồi C2 vẫn chưa kết thúc. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi điện cho đồng chí Lê Quảng Ba, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 316, nhắc: "174 đã chiếm xong A1, tận dụng hỏa lực bắn thẳng của ta từ A1 chi viện cho Trung đoàn 98 ở C2. Đưa ngay lực lượng dự bị Trung đoàn 9 vào chiến đấu. Pháo chiến dịch sẽ kiềm chế pháo địch ở Mường Thanh, dành riêng cho C2, 200 quả pháo 105 ly. Cần nhanh chóng tiêu diệt được C2 để làm chủ hoàn toàn các cao điểm phía đông!"

7 giờ 30, pháo ta vừa ngừng chế áp, Tiểu đoàn 215 và Đại đội 138 của Tiểu đoàn 375 chia làm ba mũi xung phong lên C2. Quân ta lần lượt đánh chiếm từng mục tiêu. 9 giờ 30, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ đồi C2. Bộ Chỉ huy khu đông của Pháp là Thiếu tá Bréchignac, Đại úy Botella và một số đông sĩ quan dù tập trung tại đây cùng với hàng trăm thương binh đều bị bắt sống.

Cuộc chiến đấu trên những ngọn đồi phía đông đã kết thúc. Cả khu trung tâm nằm gọn dưới hỏa lực bắn thẳng của ta.

Bộ đội Việt Nam vượt qua cầu Mường Thanh tổng công kích quân Pháp đang cố thủ tại hầm ngầm khu trung tâm tập đoàn cứ địa Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Khác với những ngày trước, mới 9 giờ sáng ngày 7/5/1954, sương mù đã tan. Trời không một gợn mây. Máy bay địch ném bom dữ dội vào những trận địa của ta…

Các đài quan sát phía trước báo cáo: Nhiều chỗ trên sông Nậm Rốm nổi bọt trắng. Anh em phán đoán địch ném súng đạn và đồ dùng xuống sông. Phòng 2 cử người chạy tới Sở Chỉ huy báo cáo bộ phận theo dõi điện đàn địch nghe được Mường Thanh yêu cầu Hà Nội "chỉ thả thêm dù lương thực, không thả dù vũ khí".

Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận thấy quân Pháp đã có biến động. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi dây nói cho đồng chí Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 chỉ huy bộ đội phía tây: "Tình hình địch có những triệu chứng rối loạn, có nhiều khả năng đầu hàng, cũng có khả năng đột phá vòng vây để tháo chạy. Đồng chí phải chỉ huy bộ đội bao vây thật chặt, không được để cho bất cứ một lên địch nào chạy thoát".

10 giờ, Trung đoàn 209 đêm qua chưa hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cư điểm 507, một trong bốn cứ điểm còn lại trên đường 41, bên tả ngạn sông Nậm Rốm ngăn chặn bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm, đề nghị cho đánh tiếp ban ngày. Tiểu đoàn 130 đánh cứ điểm 507 đêm trước đã gây thiệt hại nặng cho quân địch nhưng lực lượng cũng bị tiêu hao. Đại đoàn 312 lệnh cho Trung đoàn 141 cơ động từ phía sau lên, sẵn sàng tiếp sức cho Trung đoàn 209, Trung đoàn 165 đã chiếm được cứ điểm 506 sẵn sàng chi viện cho đơn vị đánh cứ điểm 507.

Buổi trưa, trinh sát báo cáo máy bay vận tải hai thân chỉ lượn một vòng trên bầu trời Mường Thanh không thả dù tiếp tế, quay trở về Hà Nội. Trên sông Nậm Rốm vẫn nổi những đám bọt trắng. Trong khu trung tâm của địch thỉnh thoảng lại có một tiếng nổ khác thường. Bộ phận theo dõi điện đài nghe được những viên phi công và quân địch ở Mường Thanh trao đổi với nhau lời chào vĩnh biệt.

Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định cuộc tổng công kích sẽ diễn ra khi trời tối.

14 giờ, pháo chiến dịch bắn mãnh liệt vào khu trung tâm tập đoàn cứ điểm, dọn đường cho cuộc tiến công cứ điểm 507 của 209.

Những cứ điểm 505 và 505A đối diện với 507 lúc này do Tiểu đoàn 154 của đồng chí Nguyên Năng và đại đội trợ chiến của Tiểu đoàn 166 chốt giữ. Lực lượng ở đây gồm chủ yếu là Đại đội 525, đơn vị đã phòng ngự từ ngày đầu mới được tăng cường thêm những bộ phận của Đại đội 520 và Đại đội 530. Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 154 Ngô Trọng Bảo có mặt ở tiền duyên nhận thấy quân địch chống cự yếu ớt, quyết định cho bộ đội mở hàng rào ngay trong lúc pháo ta còn chế áp quân địch. Với sự chi viện của trợ chiến, chỉ sau bốn quả bộc phá, bộ đội ta đã lọt vào trong cứ điểm. Quân dịch bàng hoàng, bắn vài loạt đạn rồi bỏ chạy sang cứ điểm 508 và qua sông Nậm Rốm, số còn lại đầu hàng. Trung đoàn 209 được Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Năng từ Sở Chỉ huy tiểu đoàn báo cáo đã chiếm được 507 lập tức điều Tiểu đoàn 130 từ phía sau lên tiếp ứng. Trong khi đó Tiểu đoàn 154 thừa thắng đánh tiếp sang 508. Đại bác của ta đã gây nhiều đám cháy lớn trong khu trung tâm. Tuy nhiên những khẩu trọng liên tự động bốn nòng của địch vẫn nhả đạn dữ dội về phía cầu Mường Thanh.

Vào lúc 16h20', ngày 7/5/1954, Đại đội 360 thuộc Tiểu đoàn 130 đã tiến công thẳng vào hầm ngầm của Thiếu tướng De Castries, bắt sống toàn bộ Ban Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm của Pháp và phất cao ngọn cờ "Quyết chiến, quyết thắng" trên nóc hầm chỉ huy của Tướng De Castries báo hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng (Ảnh: tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

3 giờ chiều, trinh sát báo cáo trong khu trung tâm của địch xuất hiện những đốm cờ trắng. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp yêu cầu cán bộ tham mưu chỉ những điểm có cờ trắng trên bản đồ, nhận thấy có cả những đơn vị Âu Phi.

Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định: Địch đã đến lúc tan rã.

Đúng 3 giờ chiều, các đại đoàn được lệnh: "Không cần đợi trời tối, lập tức mở cuộc tổng công kích vào Mường Thanh. Đơn vị phía đông đánh thẳng vào khu vực trung tâm, đơn vị phía tây giáp công sang, cùng tiến vào Sở Chỉ huy của địch. Phải đánh thật mạnh, bao vây thật chặt, không để cho De Castries hoặc bất cứ tên địch nào chạy thoát".

Tại trận địa Đại đội 360 của Tiểu đoàn 130, có Chính trị viên Tiểu đoàn Trần Quải đi cùng, đã có mặt ở cứ điểm 508. Tiểu đoàn phó Ngô Trọng Bảo cho các lực lượng của Tiểu đoàn 154 tiến sang cứ điểm 509, cứ điểm cuối cùng bảo vệ cầu Mường Thanh, rồi trao đổi với Chính trị viên Trần Quải, lệnh cho Đại đội 360 tiến vào khu trung tâm, nơi mà khói của những đám cháy mỗi lúc càng bốc cao. Đại đội 360 đã như một mũi tên lao đến cầu sắt bắc qua sông Nậm Rốm. Tiếng hô “Bắt sống Đờ Cát!” đã cổ vũ anh em xông lên. Khẩu đại liên bốn nòng của địch lồng lộn bắn sang. Đạn cối nổ trên mặt cầu. Tạ Quốc Luật chỉ huy tổ đi đầu ném thủ pháo sang bên kia cầu. Một quả bom địch ném xuống mặt đường. Tổ đi đầu dừng lại trước ngã ba. Vừa lúc đó có tên cai dõng chạy qua. Anh em hỏi hầm De Castries. Tên cai dõng chỉ vào ụ cao to xung quanh có bốn xe tăng đang bắn loạn xạ. Đồng chí Luật cho đánh thủ pháo đứt xích một xe tăng. Một chiếc khác bốc cháy. Hai chiếc còn lại bỏ chạy. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật ra lệnh đánh hầm. Chiến sỹ Vinh và chiến sỹ Nhỏ phân công nhau: Nhỏ bịt một cửa hầm, Vinh tiến vào cửa hầm chính. Theo một hiệu lệnh chung, Vinh và Nhỏ ném hai quả thủ pháo. Khói vừa tan thì một sĩ quan trong Bộ Tham mưu của De Castries ra giơ tay xin hàng. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật xuống hầm cùng hai chiến sĩ Vinh và Nhỏ bắt sống toàn bộ. Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm, trong đó có Thiếu tướng De Castries. Đó là lúc De Castries vừa ra lệnh đầu hàng và qua làn sóng điện từ biệt vợ con. Câu đầu tiên De Castries nói với Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật là: “Xin đừng bắn tôi!". Lúc đó là 16 giờ 20', ngày 7/5/1954.

Các đài quan sát báo cáo về: Quân ta từ ba phía đang đánh vào khu trung tâm, Đại đoàn 312 từ phía đông tiến qua cầu Mường Thanh, Đại đoàn 308 từ phía tây mở đường qua sân bay, và từ phía tây nam mở đường vào Li-li, hướng về Sở Chỉ huy của De Castries. Quân địch chỉ chống cự lẻ tẻ. Nhiều toán địch ra hàng. Những đốm cờ trắng xuất hiện ở Mường Thanh mỗi lúc một nhiều. Đồng chí Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng chiến dịch luôn luôn nhắc các đơn vị: "Bao vây chặt, không để một tên nào chạy thoát".

Thiếu tướng Christian de Castries, Chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (người đứng giữa) cùng toàn bộ Ban Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm của quân Pháp bị quân ta bắt sống vào lúc 4 giờ 20 phút, chiều ngày 7/5/1954 (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đến 5 giờ 30 chiều, ngày 7/5/1954, sau khi kiểm tra kỹ nhân dạng của những tên lính và sỹ quan Pháp bị bắt, Đại đoàn 312 báo cáo lên: "Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được Tướng De Castries".

Cả khu rừng cơ quan Chỉ huy mặt trận từ xưa đến nay rất nghiêm mật, bỗng sôi lên trong những tiếng ầm ầm như biển động. Cán bộ, chiến sĩ hò reo, vui mừng như những em nhỏ.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã giành được toàn thắng!

----------------------------

Nguồn tham khảo:

- "Điện Biên Phủ - Văn kiện Đảng, Nhà nước". Nxb Chính trị Quốc gia, 2004;

- "Điện Biên Phủ - tuyển tập hồi ký (trong nước)". Nxb Chính trị Quốc gia, 2004;

- Hồi ký "Điện Biên phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nxb Chính trị Quốc gia, 2004;

- Hồi ký "Thách thức A1" của Đại tá Phạm Chí Nhân, Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 102, Đại đoàn 308;

- Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu/tran-chien-cuoi-cung-gianh-toan-thang-trong-chien-dich-dien-bien-phu-664482.html