Trải nghiệm hương sắc văn hóa Cao Bằng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng và các dân tộc thiểu số sẽ diễn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ( Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) trong dịp nghỉ lễ ngày 30/4 và 1/5. Điểm nhấn là những nét đẹp văn hóa đặc trưng của chợ phiên, lễ hội của người Lô Lô Cao Bằng.

Nghề in sáp ong vẫn được đồng bào lưu giữ và trao truyền cho các thế hệ sau. Ảnh: Bích Nguyên

Ngay tại thủ đô Hà Nội, du khách có thể tham dự phiên chợ vùng cao mang sắc màu non nước Cao Bằng. Cũng tại không gian văn hóa này, du khách sẽ được trải nghiệm sắc màu chợ phiên của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc với các món ăn đặc trưng như thắng cố, mèn mén, xôi màu, gà quay dân tộc, lợn quay.

Đến với phiên chợ vùng cao, du khách có thể sắm cho mình các loại vải thổ cẩm, mua sản vật núi rừng, rượu, măng, miến, rau, củ quả tươi về làm quà. Những người đam mê tìm hiểu văn hóa dân tộc có thể gặp gỡ với các chủ thể sáng tạo nghề đan lát, dệt thổ cẩm, làm hương và nghề in sáp ong của đồng bào Nùng, Dao (Cao Bằng) - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Đặc biệt, du khách còn có cơ hội thưởng thức các bài hát, điệu múa truyền thống và trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Lô Lô, Mông, Tày, Nùng, Dao. Trong khi đó, không gian trưng bày, giới thiệu khoảng 80 bức ảnh với chủ đề “Sắc màu vùng cao” sẽ mang tới cho du khách cái nhìn toàn diện hơn về vẻ đẹp thiên nhiên, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi.

Điểm nhấn trong ngày 30/4 là hoạt động tái hiện Lễ hội cầu mưa của dân tộc Lô Lô tỉnh Cao Bằng. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng, linh thiêng của đồng bào dân tộc Lô Lô, gắn với tập quán lao động sản xuất nông nghiệp.

Lễ hội thường được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm và thường chỉ diễn ra trong một ngày nhưng người Lô Lô phải làm công tác chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Họ chọn ngày tốt, tìm thầy cúng và các con vật dùng để tế lễ. Vì là việc chung nên mỗi nhà sẽ đóng góp mua lễ vật, cùng tham gia các công việc giúp thầy cúng trong quá trình làm lễ. Khi làm lễ này, người Lô Lô sẽ trình bày ước nguyện, mong muốn trong năm luôn mưa thuận, gió hòa cây cối tốt tươi, dân bản được mùa, con người mạnh khỏe.

Bên cạnh các hoạt động giới thiệu văn hóa tỉnh Cao Bằng, dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam còn tái hiện cuộc sống hàng ngày, thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ của dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer.

Thạch đen - một trong những đặc sản của tỉnh Cao Bằng đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Ảnh: Bích Nguyên

Các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: Múa xòe, nhảy sạp, hát ví, các điệu múa chuông, hát ay ray; loại hình kịch Rô băm, các điệu múa Rom vông cũng sẽ được trình diễn trong dịp này.

Ngoài ra, du khách có cơ hội trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc như xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn; chơi trò chơi dân gian: ném còn, đi cà kheo, bập bênh, ném pao ... Hoặc tham gia hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, làm thuốc... của các nghệ nhân dân tộc thiểu số ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trai-nghiem-huong-sac-van-hoa-cao-bang-tai-lang-van-hoa-du-lich-cac-dan-toc-viet-nam-post475260.html