Trái Đất có thể đang tạo ra rỉ sét trên Mặt Trăng

Các nhà khoa học đã phát hiện rỉ sét trên Mặt Trăng, và Trái Đất có thể là thủ phạm.

Phân tích dữ liệu từ tàu thăm dò Chandrayaan-1 của Ấn Độ, các nhà nghiên cứu từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Viện Địa Vật lý Thiên Thể tại Hawaii đã phát hiện dấu vết của hematit (một dạng oxit sắt) trên Mặt Trăng.

Có nhiều loại đá mang sắt tồn tại trên Mặt Trăng, tuy nhiên oxit sắt chỉ được hình thành khi sắt tiếp xúc với oxy và nước, tạo ra hợp chất màu đỏ gọi là rỉ sét. Đây là hiện tượng kỳ lạ bởi Mặt Trăng không có không khí, rỉ sét cũng rất khó hình thành trên không gian giàu hydro như Mặt Trăng.

 Vị trí hematit được phát hiện trên Mặt Trăng (màu đỏ). Ảnh: Đại học Hawaii.

Vị trí hematit được phát hiện trên Mặt Trăng (màu đỏ). Ảnh: Đại học Hawaii.

“Ban đầu, tôi không tin điều đó. Nó không thể tồn tại trong điều kiện hiện có trên Mặt Trăng”, Abigail Fraeman, nhà khoa học của NASA cho biết.

Shuai Li đến từ Đại học Hawaii, tác giả chính của nghiên cứu cũng nói đây là kết quả khó hiểu bởi Mặt Trăng không phải môi trường thích hợp để hematit hình thành.

Sau nhiều tháng nghiên cứu, Li và các nhà khoa học của NASA đã tìm ra nguyên nhân có thể khiến hematit xuất hiện trên Mặt Trăng, và nó đến từ chính hành tinh mà chúng ta đang sống.

Theo CNN, manh mối đến từ việc hematit tập trung nhiều hơn ở bề mặt của Mặt Trăng hướng về Trái Đất (nearside).

Trái Đất được bao bọc bởi từ trường. Gió Mặt Trời khiến nó bị biến dạng, xuất hiện một cái đuôi dài gọi là đuôi từ trường (magnetic tail). Theo chu kỳ quay quanh Trái Đất, Mặt Trăng sẽ đi qua chiếc đuôi này trong 6 ngày. Suốt thời gian ấy, đuôi từ trường sẽ bao phủ Mặt Trăng bằng các electron.

NASA từng chứng minh các hạt bụi trên Mặt Trăng có thể trôi khỏi bề mặt và trở thành bão bụi. Từ cơ sở trên, Li cho rằng oxy từ Trái Đất đã đi qua đuôi từ trường rồi đáp xuống Mặt Trăng, tương tác với các phân tử nước tạo rỉ sét.

Ngoài ra, đuôi từ trường chặn hầu hết gió Mặt Trời trong chu kỳ trăng tròn, nghĩa là Mặt Trăng được bảo vệ khỏi các vụ nổ hydro.

Thành phố đầu tiên trên Mặt Trăng của loài người sẽ trông như thế nào? Thành phố đầu tiên của loài người trên Mặt Trăng có thể sẽ được xây dựng gần miệng hố Shackleton. Tuy nhiên, nếu muốn sống tại đây, bạn sẽ phải thay đổi nhiều thói quen hàng ngày.

“Khám phá này sẽ định hình lại những gì chúng ta biết về các vùng cực của Mặt Trăng. Trái Đất có thể đóng vai trò quan trọng đối với sự tiến hóa của bề mặt hành tinh này”, Li cho biết trong báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Science Advances.

Nghiên cứu này cũng có thể lý giải vì sao rỉ sét được tìm thấy trên các thiên thể không có không khí. Theo Fraeman, một chút nước và tác động của bụi khiến sắt trên những thiên thể này bị rỉ sét.

Dù vậy, vẫn có những câu hỏi chưa có lời giải. Rỉ sét trên Mặt Trăng được phát hiện tập trung ở bề mặt của Mặt Trăng hướng về Trái Đất, tuy nhiên một số dấu vết nhỏ cũng được tìm thấy ở phía bên kia, nơi oxy từ Trái Đất không thể tiếp cận. Ngoài ra, cũng chưa rõ nước trên Mặt Trăng tương tác với đất đá như thế nào.

Phúc Thịnh
Theo CNN

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trai-dat-khien-mat-trang-bi-ri-set-post1130586.html