Trái cây ngoại giá rẻ bất ngờ

Trái cây ngoại đang tăng tốc thâm nhập thị trường Việt Nam giữa bối cảnh nguồn cung trong nước kém dồi dào

Vừa dùng hết 3 kg táo Gala (xuất xứ Ba Lan) mua tại một siêu thị ở Thủ Đức, TP HCM vào tuần trước với giá khuyến mãi chỉ 39.000 đồng/kg để làm nước ép, chị Minh Châu (ngụ quận 3, TP HCM) quay lại mua thêm 3 kg táo Gala size S nhập khẩu từ Nam Phi, cũng chỉ có 39.000 đồng/kg. "Những năm trước, táo nhập khẩu thấp nhất cũng 55.000 - 60.000 đồng/kg nhưng từ năm 2023 tới nay, giá rẻ hơn hẳn" - chị Minh Châu so sánh.

Đã nhiều lại còn rẻ

Theo ghi nhận, hiện các siêu thị bán rất nhiều loại táo nhập khẩu từ Pháp, Mỹ, New Zealand, Canada, Nam Phi…, giá chỉ 59.000 đồng/kg đến trên 100.000 đồng/kg. Ngay cả táo Envy (thương hiệu cao cấp, giá luôn ở mức cao) cũng giảm từ 250.000 - 300.000 đồng/kg còn 89.000 - 139.000 đồng/kg (tùy loại).

Đại diện Công ty Tiên Thảo Food (quận Gò Vấp, TP HCM) - chuyên nhập khẩu, phân phối trái cây tươi - giải thích trái cây nhập khẩu ngày càng nhiều và rẻ là do Việt Nam đã là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu trái cây vào Việt Nam hầu hết đã về 0%. "Hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia nhập khẩu nên có sự cạnh tranh. Đa số DN chọn dòng hàng ở phân khúc trung bình khá, nhập khẩu số lượng lớn và vận chuyển bằng đường biển chi phí thấp nên giá bán rất rẻ" - đại diện này phân tích.

Một lý do nữa khiến trái cây ngoại càng lúc càng nhiều và rẻ là do các nhà bán lẻ lớn đều chủ động làm việc với đối tác nước ngoài, các DN nhập và phân phối trái cây ngoại với giá rất cạnh tranh để thu hút khách.

Đặc biệt, sau dịch COVID-19, thương vụ các nước thường xuyên đưa các đoàn DN đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội bán hàng, mong muốn xuất khẩu nông sản vào Việt Nam nhiều hơn. "Nông sản, thực phẩm chế biến được chào bán nhiều nhất. Các nhà bán hàng nước ngoài sẵn sàng bỏ tiền và giảm giá tối đa để hợp tác với DN bán lẻ thực hiện các chương trình quảng bá sản phẩm. Năm 2022, táo Envy vào Việt Nam rất nhiều, giá rất rẻ; năm 2023 đến lượt cherry Úc, cherry Mỹ "đạp giá" để lấy thị phần" - giám đốc một hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM thông tin.

Trái cây ngoại giá rẻ bán đầy ở siêu thị và các chợ Ảnh: PHƯƠNG AN

Gần đây nhất, đoàn DN của tiểu bang Washington - Mỹ trong chuyến công tác tại Việt Nam đã đến thăm siêu thị MM Mega Market Việt Nam, bày tỏ mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng táo vào Việt Nam nói chung và hệ thống siêu thị này nói riêng.

Bà Lindsey Huber, Giám đốc tiếp thị của Hiệp hội Táo tiểu bang Washington, tiết lộ chỉ riêng quý I/2024 xuất khẩu táo đã đạt 40% kế hoạch năm, tiểu bang đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu 2.000 tấn táo vào Việt Nam trong năm nay, tăng 800 tấn so với năm 2023.

Ông Derek Sandison, Bộ trưởng Nông nghiệp của tiểu ban này, nói thêm ngoài sản phẩm chủ lực là táo, các DN đang đẩy mạnh xuất khẩu các nông sản như cherry, sản phẩm từ sữa và thịt bò, lúa mì, hải sản, hoa bia, khoai tây chiên, rượu vang... vào thị trường Việt Nam.

Trái cây trong nước đến trễ

Trong khi đó, ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TP HCM), cho biết những ngày gần đây lượng trái cây nội về chợ chỉ 800 - 950 tấn/ngày, khá thấp so với bình quân các năm. "Mùa trái cây năm nay đến muộn nên mặt bằng giá trái cây tương đối cao. Khoảng 10 ngày nay, chợ có về trái vải trồng ở Tây Nguyên, giá sỉ 40.000 - 50.000 đồng/kg" - ông Phương thông tin.

Theo bảng giá sỉ trái cây ở chợ đầu mối Thủ Đức, bưởi da xanh 25.000 đồng/kg, nhãn xuồng 65.000 đồng/kg, thanh long Long An 28.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 65.000 đồng/kg, sầu riêng Ri 6 giá 100.000 đồng/kg… Trong khi cùng kỳ năm ngoái, xoài cát Hòa Lộc giá rẻ chưa từng có, giá bán lẻ chỉ 20.000 - 40.000 đồng/kg, còn vải Tây Nguyên đầu mùa giá chỉ 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm nay thời tiết nắng nóng, thiếu nước nên trái cây vào vụ trễ. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu rau quả thuận lợi, tăng trưởng cao nên tiêu thụ nội địa tốt, mức giá có lợi cho nông dân. Riêng cam sành chỉ có một vài ngày bị dội chợ, đến nay giá tăng cao trở lại do đã qua thời điểm thu hoạch rộ. Dừa tươi cũng tăng giá mạnh do nhu cầu giải nhiệt tăng cao vào mùa nóng, trong khi hạn mặn khiến sản lượng dừa tươi sụt giảm. "Mặt hàng sầu riêng giá giảm so với trước nhưng không có bất thường vì đang vào chính vụ, còn thời gian trước giá cao là hàng trái vụ. Sầu riêng Ri 6 loại 1 đang được các vựa thu mua ở mức 80.000 đồng/kg, cũng không đến thấp" - ông Nguyên nhận định.

Do sầu riêng đã vào chính vụ, nguồn cung cải thiện nên từ đầu tháng 4, một số nhà cung cấp nội địa đã lên kế hoạch bán hàng. Dù vậy, những đầu mối này cho hay so với mong muốn của người tiêu dùng, giá mặt hàng này vẫn khá cao nên tiêu thụ có phần hạn chế. "Với trái cây, yêu cầu số 1 là phải ngon. Nếu không ngon thì dù giá rẻ cũng khó bán" - ông Trịnh Thanh Tùng, chủ một cửa hàng trái cây tại quận Gò Vấp, nhìn nhận.

Ông Quách Văn Thảo, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nông sản Nhật Duy (tỉnh Ninh Thuận), xác nhận năm nay một số mặt hàng trái cây của tỉnh có giá khá cao, như: táo Ninh Thuận 50.000 đồng/kg, nho Ninh Thuận 100.000 đồng/kg. "Nguyên nhân là vì nắng nóng, thiếu nước nên cây trồng giảm sản lượng. Trên thị trường trái cây hiện nay không có quả nào bị thừa cung nên giữ giá ở mức tốt. Chúng tôi dự kiến cắt giảm sản lượng từ tháng 6, tháng 7 để tránh bị dội chợ vì khi đó thường trái cây sẽ nhiều" - ông Thảo dự kiến.

Rau quả nhập khẩu tăng 23%

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tính đến hết quý I/2024, Việt Nam đã chi 493 triệu USD để nhập khẩu rau quả, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thị trường Trung Quốc dẫn đầu với 199 triệu USD, tăng 42%; Mỹ xếp thứ 2 với 103 triệu USD, tăng 34%; Myanmar xếp thứ 3 với 32 triệu USD, tăng 5%.

THANH NHÂN - NGỌC ÁNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/trai-cay-ngoai-gia-re-bat-ngo-196240426212254083.htm