Trách nhiệm trong vụ 'bốc hơi' 338 tỷ đồng tại ngân hàng MSB

Có đến 8 nạn nhân mất tiền khi gửi tiền trong tài khoản tại ngân hàng MSB. Tổng số tiền lên tới 338 tỷ đồng. Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về quyền lợi của người gửi tiền, trách nhiệm của các bên liên quan, ai là bị hại của vụ việc hay khách hàng cần làm gì khi tiền gửi ngân hàng bỗng dưng biến mất?

Chính ngân hàng MSB là đơn vị phát hiện nhân viên của mình là bà Bùi Thị Hoài Anh - giám đốc Ngân hàng MSB Thanh Xuân có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản và báo Công an khởi tố vụ án và bắt tạm giam.

Để giải quyết quyền lợi của các khách hàng mất tiền, các luật sư cho rằng, trước tiên cần xác định ai là bị hại trong vụ việc? Trong trường hợp ngân hàng được xác định là bị hại, người phạm tội chiếm đoạt tiền, thì rủi ro sẽ thuộc về ngân hàng.

Các luật sư cho rằng, theo luật dân sự, việc gửi tiền vào ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng phải được hiểu là một hợp đồng cho vay tài sản.

Do đó, khi tiền được gửi vào ngân hàng, ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu của số tiền đó và phải chịu trách nhiệm đối với tài sản đó.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, nếu có sự bảo vệ các định chế tài chính mà làm méo mó quan hệ dân sự thì sẽ làm mất đi niềm tin của người dân với hệ thống tín dụng.

Từ vụ việc mất tiền tại ngân hàng MSB, các chuyên gia cảnh báo, nếu khách hàng chẳng may bị mất tiền trong tài khoản, thì cần bình tĩnh, thu thập đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch với ngân hàng. Tiếp theo là thu thập chứng cứ để khởi kiện vụ án dân sự, đòi lại số tiền từ ngân hàng. Vì quan hệ giữa khách gửi tiền và ngân hàng được xem xét như một giao dịch dân sự về việc nhận tiền gửi.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hằng Nga - Việt Hùng - Lê Giang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/trach-nhiem-trong-vu-boc-hoi-338-ty-dong-tai-ngan-hang-msb-217174.htm