TPHCM tăng cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt

Ngày 3-5, Sở Công thương TPHCM tổ chức họp báo công bố các chương trình trọng tâm sẽ triển khai tại TPHCM trong quý 2.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ cơ hội giao thương của doanh nghiệp dệt may

Tại cuộc họp, Sở Công thương TPHCM cho biết, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu ước đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến dẫn đầu xuất khẩu ước đạt 108,27 tỷ USD, chiếm 87,5%. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 34,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ tăng kim ngạch xuất khẩu trên nền tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy đà phục hồi sản xuất chưa thực sự khả quan. Trước thực tế đó, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, Sở Công thương TPHCM sẽ tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu diễn ra từ ngày 8 đến 11-5-2024 tại TPHCM. Trong đó, tập trung kích cầu thương mại cho các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực gồm thực phẩm, đồ uống; nông - thủy sản, đồ gỗ - mỹ nghệ, dệt may, da giày, túi xách, cao su - nhựa, điện tử - cơ khí và các ngành dịch vụ, hỗ trợ khác.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM phát biểu tại buổi họp báo

Cũng theo ông Phương, nếu doanh nghiệp có quy trình sản xuất bài bản, kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ không khó tiếp cận thị trường. Hiện Ban tổ chức ghi nhận có 450 gian hàng của các doanh nghiệp tham gia. Sự kiện dự kiến thu hút khoảng 20.000 khách tham quan, nhà mua hàng, trong đó có hơn 80% khách chuyên ngành là các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối của các thị trường lớn Hoa Kỳ, châu Âu, Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,…; các văn phòng đại diện mua hàng, tìm nhà cung ứng tại Việt Nam; hệ thống siêu thị, nhập khẩu và bán lẻ; các sàn thương mại điện tử.

Ở chiều ngược lại, thông qua hội chợ, doanh nghiệp có cơ hội cải tiến và đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh lâu dài. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu và xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với các hệ thống phân phối nước ngoài cả kênh xuất khẩu truyền thống và thương mại điện tử. Cao hơn, doanh nghiệp còn tiếp cận và tìm hiểu nhu cầu, xu hướng thị trường thế giới, từ đó chọn lọc và xây dựng chính sách phát triển phù hợp.

Cũng tại cuộc họp, đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, trong thời gian tới sẽ tổ chức thí điểm xây dựng mô hình bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống, làm cơ sở để thực hiện chuyển đổi mô hình chợ truyền thống sang bán hàng trực tuyến. Cùng với Sở Công thương làm việc với các công ty truyền thông số để tập huấn kỹ năng bán hàng trực tuyến cho các thương nhân tại các chợ này.

Riêng với chương trình bình ổn giá, hiện đã có 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia bình ổn thị trường. Ngoài nhóm hàng lương thực, thực phẩm thì chương trình lần này còn mở rộng thêm nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, nhóm thiết bị học tập là sản phẩm thiết bị điện tử. Quy chế thực hiện chương trình này cũng được điều chỉnh theo hướng tăng thêm giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, giảm chi phí mặt bằng, sản xuất lưu thông hàng hóa, đặc biệt về phía quận huyện sẽ được yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, hiệu quả. Sở cũng sẽ đẩy mạnh chương trình kích cầu tiêu dùng, khuyến mãi, đầu tư, tín dụng. Riêng với chương trình khuyến mãi tập trung gắn trực tiếp và đồng hành tương ứng với chương trình kích cầu du lịch.

MINH XUÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-tang-co-hoi-xuat-khau-cho-hang-viet-post738222.html