TPHCM quyết tâm thực hiện chuyển đổi số toàn diện

TPHCM xác định đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của xã hội số.

Hoàn thành số hóa 4 loại hộ tịch

Chiều 3-5, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị Báo cáo viên tháng 5-2024. Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TPHCM Võ Thị Trung Trinh báo cáo chuyên đề “Chương trình chuyển đổi số tại TPHCM đến năm 2025”.

Bà Võ Thị Trung Trinh chia sẻ về các định hướng, chủ trương phát triển TPHCM; chương trình chuyển đối số quốc gia và TPHCM; kết quả thực hiện nhiệm vụ và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Cụ thể, mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia là xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM là phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững. Trong đó, phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thông thế hệ thứ 5 (5G) và sau 5G trong quản lý đô thị; thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số.

Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TPHCM Võ Thị Trung Trinh báo cáo chuyên đề “Chương trình chuyển đổi số tại TPHCM đến năm 2025”

Cùng với đó, đổi mới quản lý TPHCM gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số. TPHCM quyết tâm thực hiện chuyển đổi số toàn diện, trên các lĩnh vực; thúc đẩy phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số đóng góp khoảng 25% tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn TPHCM.

Theo chương trình Chuyển đổi số TPHCM, thành phố xác định đến năm 2030, TPHCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Về kết quả thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn TPHCM, hiện TPHCM đã tạo lập nền tảng gồm hạ tầng và dữ liệu. Cổng dữ liệu đã cung cấp các dịch vụ khai thác dữ liệu phục vụ các cơ quan nhà nước; chia sẻ dữ liệu cho người dân và doanh nghiệp. TPHCM cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành số hóa 4 loại hộ tịch…

Một số chỉ tiêu đến năm 2025

- Về chính quyền số: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu thành phố.

- Về kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.

- Về xã hội số: Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%. Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.

Một số chỉ tiêu đến năm 2030

- Về chính quyền số: 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

- Về kinh tế số: chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%.

- Về xã hội số: Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.

Xử lý cán bộ sai phạm là vì sự nghiệp chung

Tại hội nghị, các đại biểu cũng được Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền định hướng một số nội dung tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí yêu cầu báo cáo viên các cấp tập trung tuyên truyền về một số nhiệm vụ công tác tư tưởng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC).

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới

Cụ thể, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng và Nhà nước về PCTNTC. Tập trung tuyên truyền, làm rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCTNTC; khẳng định việc xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước, ý nguyện của nhân dân.

Một nhiệm vụ khác cần tập trung tuyên truyền trong thời gian tới là những nội dung quan trọng, điểm mới của Luật Đất đai sửa đổi (có hiệu lực từ năm 2024).

Cùng với đó, tuyên truyền Kết luận 928 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về dự thảo Đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TPHCM) giai đoạn 2021-2030. Theo đó, nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM chỉ mới đặt nhiệm vụ xây dựng Đề án “Chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021-203”, việc đổi tên thành Đề án “Đầu tư – xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TPHCM) giai đoạn 2021-202” là đề xuất mới phát sinh, cần được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc cẩn trọng nhiều mặt, bổ sung để hoàn thiện, đưa ra luận chứng khoa học và chặt chẽ về mô hình chuyển đổi…

Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết 11 của HĐND TPHCM về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp trên địa bàn; tuyên truyền chủ đề năm 2024 của TPHCM và các hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

THU HƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-quyet-tam-thuc-hien-chuyen-doi-so-toan-dien-post738247.html