TP Hồ Chí Minh tiên phong thí điểm mô hình TOD theo hình thức PPP

TP Hồ Chí Minh đang đề xuất Quốc hội thông qua một số cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP, trong đó có đề xuất thí điểm phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), tập trung vào hệ thống đường sắt đô thị.

Ngày 12/5, Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức hội thảo về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) và hình thức đối tác công tư (PPP).

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh metro số 1 sắp hoàn thành và là bước chuẩn bị để triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Đoàn tàu của Metro chạy thử đoạn trên cao qua khu vực đô thị ở TP Thủ Đức.

Kinh nghiệm phát triển TOD từ Nhật Bản

Ông Shin Kimura, đại diện Cơ quan Phục hưng đô thị Nhật Bản (URA), nói rằng, hệ thống đường sắt đô thị tại Nhật Bản được đầu tư rất sớm và hiện đã hoàn thiện thành một mạng lưới hoàn chỉnh.

Xung quanh nhà ga được thiết kế đô thị hiện đại, được bố trí trung tâm thương mại, hành chính công, tòa nhà văn phòng và trường đại học... Quảng trường, công viên quanh nhà ga, bãi đỗ xe, điểm dừng xe cũng được hình thành phục vụ đi lại cho người dân.

Ông Shin Kimura cho hay, mô hình TOD sẽ mở ra đô thị sôi động, sầm uất với nhiều tiện ích công cộng. Cuộc sống người dân không phụ thuộc vào ô tô hay xe máy. Với các tiện ích, không gian sống hiện đại sẽ thu hút người dân tới sinh sống. Từ đây, góp phần tăng giá trị đất, tăng tính hấp dẫn và hiệu quả hệ thống metro. Đô thị mới với các nhà cao tầng sẽ giải quyết được bài toán thiếu hụt nhà ở cho các địa phương.

Để làm được TOD, tại hội thảo, nhiều chuyên gia nói, Nhật Bản đã hoàn thiện hành lang pháp lý, quy hoạch và các chính sách hỗ trợ cho phát triển đô thị. Thủ tục, quy định rõ ràng, minh bạch, bền vững, đảm bảo sự yên tâm cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.

Ngay từ khi quy hoạch, Chính phủ, nhà phát triển, người dân hoặc các bên đều được điều phối lợi ích đảm bảo công bằng rõ ràng và minh bạch. Ai cũng đều được hưởng lợi khi dự án hình thành. Ngay từ khâu quy hoạch tổng thể đã phân định rõ trách nhiệm tài chính và vai trò các bên, bao gồm từ Nhà nước, địa phương, nhà phát triển dự án hoặc chủ đất...

Bà Yoko Takebayashi - Phó trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam - nói, rất vui vì tuyến metro số 1 của TP Hồ Chí Minh sắp hoàn thành. TP Hồ Chí Minh không chỉ có tuyến 1 mà còn rất nhiều tuyến metro khác nằm trong quy hoạch hiện đang triển khai. Cơ hội để phát triển theo mô hình TOD là rất lớn.

"Để mô hình TOD phát triển một cách mạnh mẽ, thành phố cần phải sớm xây dựng hệ thống pháp lý hoàn chỉnh, trong đó có điều chỉnh quy hoạch đất làm cơ sở triển khai phát triển đô thị. Ngoài ra, thành phố xây dựng quy trình điều chỉnh lợi ích các bên liên quan một cách chặt chẽ để tạo sự đồng thuận, cùng với sự quan tâm của các nhà đầu tư", bà Yoko Takebayashi chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, TP Hồ Chí Minh sẽ là địa phương đầu tiên thí điểm mô hình TOD, trong đó, hệ thống đường sắt đô thị là hạt nhân.

TP Hồ Chí Minh muốn thí điểm phát triển đô thị theo mô hình TOD

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, đầu tư TOD theo hình thức PPP là chủ đề đang được chính quyền các địa phương, trong đó có TP Hồ Chí Minh quan tâm để áp dụng nhằm phát triển mạng lưới giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị.

Ông Bùi Xuân Cường cho biết thêm, TP Hồ Chí Minh đang đề xuất Quốc hội thông qua một số cơ chế, chính sách thí điểm phát triển, trong đó có đề xuất thí điểm phát triển đô thị theo định hướng TOD, tập trung vào hệ thống đường sắt đô thị như tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương.

Khi được Quốc hội thông qua, TP Hồ Chí Minh sẽ là địa phương đầu tiên thí điểm mô hình TOD, trong đó, hệ thống đường sắt đô thị là hạt nhân trong mô hình này.

Đặc biệt, ông Bùi Xuân Nguyện, đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh khẳng định, cần thiết đầu tư TOD theo hình thức PPP.

Ông Bùi Xuân Nguyện cho biết, theo Quyết định số 568 ngày 8/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống đường sắt đô thị của TP Hồ Chí Minh bao gồm 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên kết nối các trung tâm chính của TP.

Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị của TP Hồ Chí Minh vào khoảng 220 km với tổng vốn đầu tư ước tính 25 tỷ USD.

Tuy nhiên, tính đến hiện tại, theo thống kê của Ban Quản lý đường sắt đô thị, nguồn vốn huy động theo hình thức ODA cho các dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị tại TP Hồ Chí Minh, bao gồm các dự án đang triển khai và sẽ triển khai trong tương lai gần là khoảng 6.544 tỷ USD, mới đạt khoảng 25% so với tổng mức đầu tư ước tính.

Tổng số vốn huy động từ nguồn ODA giai đoạn 2016-2020 giảm 51% so với giai đoạn 2011-2015 và được dự báo tiếp tục giảm trong giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, tổng kinh phí cho dự án đầu tư trọng điểm phát triển cơ sở hạ tầng dự kiến cho giai đoạn 2022-2025 ở TP Hồ Chí Minh là 243.000 tỷ đồng, trong đó, dự án đầu tư xây dựng metro ước 103.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 43%. Trong khi đó, ngân sách được phê duyệt hằng năm cho các dự án hạ tầng nội đô chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng.

Vì vậy, theo ông Bùi Xuân Nguyện, cần thiết lựa chọn phương thức PPP cho các dự án đầu tư xây dựng metro tại TP Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo, các bên đã tập trung thảo luận nghiêm túc, thẳng thắn và chân thành chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của Nhật Bản, một quốc gia có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển đường sắt đô thị, qua đó, thảo luận về khả năng áp dụng TOD và PPP, cũng như gợi mở những giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hồ Chí Minh.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-tien-phong-thi-diem-mo-hinh-tod-theo-hinh-thuc-ppp.html