TP Hồ Chí Minh: Nắng nóng trong tháng Ba đẩy tiền điện của các hộ dân tăng cao

EVNHCMC cho biết hiện sản lượng tiêu thụ bình quân tại TP Hồ Chí Minh đạt 78,13 triệu kWh/ngày, cao hơn 12% so với cùng kỳ năm 2023, tiền điện các hộ gia đình trong tháng Ba dự báo sẽ tăng cao.

Công tơ điện của khách hàng tại khu vực do Công ty Điện lực Tân Phú (Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh) quản lý. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Liên quan đến tình hình sử dụng điện tại Thành phố Hồ Chí Minh trong mùa nắng nóng, tại cuộc họp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội trên địa bàn do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức chiều 28/3, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Thành phố (EVNHCMC) cho biết tính đến nay, sản lượng tiêu thụ bình quân tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt 78,13 triệu kWh/ngày, cao hơn 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo ông Bùi Trung Kiên, theo quy luật thời tiết, quý 2 hàng năm luôn là giai đoạn cao điểm nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37-40 độ C, số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn, thậm chí cả ban đêm.

Do vậy, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cũng tăng lên, chủ yếu vì sử dụng nhiều các thiết bị giải nhiệt, làm mát, đặc biệt là máy lạnh.

Bên cạnh đó, tiền điện của các hộ gia đình trong tháng Ba này sẽ tăng cao do tỷ lệ khách hàng sử dụng từ bậc thang giá điện bậc 6 tăng cao hơn 30%, trong khi đó những tháng trước chỉ có khoảng 20% trong tổng số hơn 2,6 triệu khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhân viên Điện lực kiểm tra hoạt động thiết bị trạm biến áp. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Thành phố (EVNHCMC) dự báo sản lượng điện nhận bình quân theo ngày của tháng 4, 5 ,6/2024 sẽ tiếp tục tăng cao đạt từ 84 đến 87 triệu kWh/ngày và đỉnh điểm trong tháng Tư và tháng Năm sẽ có một số ngày điện nhận vượt trên 95 triệu kWh/ngày.

Đây là mức cao nhất chưa từng có trong lịch sử điện ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, khách hàng cần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để hạn chế thấp nhất làm tăng tiền điện trong các tháng cao điểm mùa Hè.

Về năng lực cung cấp điện của Thành phố Hồ Chí Minh, theo ông Bùi Trung Kiên, hiện nay, hệ thống điện Thành phố Hồ Chí Minh có độ dự phòng về công suất từ 40-60% tùy theo cấp điện áp, đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu phụ tải của Thành phố theo tất cả các kịch bản tăng trưởng.

Tuy nhiên, không loại trừ xảy ra quá tải cục bộ, phạm vi nhỏ do nhu cầu sử dụng tăng đột biến trong cùng một thời điểm.

Ngoài ra, nguồn điện cung cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh chịu sự điều tiết chung của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia.

Để đảm bảo vận hành hệ thống được an toàn và chia sẻ với cả nước, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Thành phố (EVNHCMC) cho rằng cần tăng cường tuyên truyền vận động tiết kiệm điện và sẵn sàng các phương án điều tiết khi có yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); tuyên truyền và triển khai các giải pháp giảm tiêu thụ điện trong các khung giờ cao điểm như 13-16 giờ, 20-22 giờ 30 phút hoặc dịch chuyển sử dụng sang các khung giờ thấp điểm khác để nâng cao hiệu quả sử dụng điện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tp-ho-chi-minh-nang-nong-trong-thang-ba-day-tien-dien-cua-cac-ho-dan-tang-cao-post937126.vnp