TP HCM: 3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng

GRDP quý I/2024 của TP HCM tăng 6,54% so với cùng kỳ. Đây là kết quả tăng trưởng của quý I cao nhất từ năm 2020 đến nay

Ngày 2-4, UBND TP HCM tổ chức phiên họp về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý I; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II/2024 dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi.

Những con số ấn tượng

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tình hình chuyển biến và đạt một số kết quả tích cực.

Nhiều tín hiệu tích cực của TP HCM được thông tin trong cuộc họp .Ảnh MINH HIỆP

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2024 ước đạt 406.345 tỉ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ. Khu vực nông lâm thủy sản tăng 0,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,66%.

Tất cả ngành dịch vụ đều có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Tăng cao nhất là ngành vận tải kho bãi với mức 16,24%, kế đến là dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 6,92%. Số doanh nghiệp (DN) thành lập mới đạt 12.433 DN với số vốn đăng ký khoảng 106.127 tỉ đồng, tăng hơn 12% về số lượng và 8,47% về vốn so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước quý I/2024 ước đạt 138.546 tỉ đồng, đạt 28,7% dự toán, tăng 7,6% so cùng kỳ.

Những số liệu cho thấy thành phố đang có chuyển mình ấn tượng .Ảnh CỤC THỐNG KÊ TP HCM

Tuy nhiên, bà Mai cho hay một số chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng thấp hoặc không đạt. "Mặc dù đã được nhận diện, việc thực hiện khắc phục 6 điểm nghẽn trong cải cách thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu; tiến độ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ phức tạp, đề án lớn, dự án mới còn chậm" - bà Mai thông tin.

Vượt 4 thời điểm

Thảo luận về kinh tế thành phố, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM, đánh giá kết quả tăng trưởng vượt qua các kịch bản dự báo. Hơn hết, kết quả này phá vỡ lo lắng lặp lại kịch bản tăng trưởng thấp của quý I/2023. "Đây là kết quả tăng trưởng của quý I cao nhất từ năm 2020 đến nay, dựa trên nền tảng, di sản chúng ta có" - ông Ngân bày tỏ.

Thành phố đạt được kết quả trên, theo ông Ngân, đến từ 3 yếu tố chính. Đó là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Về mặt thể chế, Nghị quyết 31/2022, Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị và đặc biệt Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội giúp thành phố tháo gỡ khó khăn. Trong khi đó, dù chưa thể hài lòng với kết cấu hạ tầng nhưng nỗ lực trong đầu tư công nhiều năm qua đáng ghi nhận. Các sở, ngành, địa phương đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước TP HCM làm cả thứ bảy, chủ nhật để đạt khối lượng giải ngân đầu tư công lớn.

"Nhiều chuyên gia đặt vấn đề liệu TP HCM có quay trở lại như trước năm 2019, tăng trưởng bình quân 7,6%-8% trong quý I. Tôi nghĩ sẽ trở lại nhưng cần thời gian, không thể ngay lập tức" - ông Ngân nói và cho rằng thành phố cần ưu tiên đầu tư công nhiều hơn và huy động cả nguồn lực xã hội.

Gấp rút nhiều nhiệm vụ

Chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận kinh tế tăng trưởng khá. "Chúng ta vui mừng, phấn khởi trước kết quả trên. Tuy nhiên, những tác động khó khăn bên ngoài và những tồn tại bên trong chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, vấn đề mới lại phát sinh" - Chủ tịch UBND TP HCM nói. Ông nhấn mạnh phải tiếp tục tập trung, nỗ lực hơn nữa mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ quý II và năm 2024. Bởi, nhiệm vụ trong thời gian tới rất nặng nề, nhiều chuyên gia đánh giá nếu giữ được đà tăng trưởng các quý còn lại như quý I thì mới có khả năng đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2024.

Nhiệm vụ cụ thể cho quý II/2024, Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh trước hết tập trung thực hiện chủ đề năm về thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội. Cụ thể, chuyển đổi số cần tập trung triển khai các văn bản liên quan đến dữ liệu và khai thác dữ liệu; vận hành Trung tâm điều hành thông minh gắn với hệ thống giám sát, hệ thống vận hành, điều phối chính quyền số của thành phố. Đối với Nghị quyết 98, cần nỗ lực để hoàn thiện các văn bản cấp Trung ương, thành phố; hoàn thiện hồ sơ để trình triển khai cơ chế thử nghiệm trong lĩnh vực khoa học công nghiệp; hoàn thiện và trình đề án kiểm soát khí thải giao thông; trình đề án TOD; triển khai các chính sách liên quan tới quy hoạch, đất đai, xây dựng. "Đây là những việc rất cụ thể để TP HCM thúc đẩy các dự án ngoài ngân sách" - ông Phan Văn Mãi lưu ý.

Nhóm nhiệm vụ tiếp theo mà Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu tập trung có hiệu quả là các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Đặc biệt, lưu ý về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP HCM nói đây là nhiệm vụ rất nặng nề khi 3 quý còn lại thành phố phải giải ngân hơn 73.000 tỉ đồng. Vì thế, các đơn vị cần tập trung, phối hợp đồng bộ để đạt được kết quả.

Riêng đối với 4 ban có số vốn đầu tư công cần giải ngân lớn (chiếm 60%) phải sát sao từng dự án, có kế hoạch giải ngân cho từng dự án và nhanh chóng điều chuyển vốn nội bộ. Đồng thời sắp xếp, điều chỉnh những cán bộ không đủ năng lực quản lý dự án cũng như xử lý nhà thầu yếu kém, chây ì.

Về đầu tư tư nhân, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định, sớm trình 5 dự án lên UBND thành phố.

Ấn định thời gian với Trường quốc tế Mỹ

Tại phiên họp, vấn đề Trường Tiểu học, THCS, THPT quốc tế Mỹ Việt Nam (gọi tắt Trường quốc tế Mỹ) được Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo tập trung xử lý. Chậm nhất là thứ hai tuần sau, học sinh phải được trở lại trường học.

Theo đó, Văn phòng UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo được giao rà soát lại đối với việc quản lý Trường quốc tế Mỹ nói riêng và các trường quốc tế nói chung. Từ đó, phát hiện những thiếu sót, yêu cầu chấn chỉnh để bảo đảm hoạt động đúng quy định của pháp luật, thông lệ quốc tế và nhất là bảo đảm quyền lợi của học sinh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu cho biết có thể đến ngày 4-4 trường hoạt động trở lại.

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-3-yeu-to-thuc-day-tang-truong-19624040221264384.htm