Tổng thống Biden thăm châu Âu, dự Thượng đỉnh NATO: Thông điệp có trong mỗi điểm dừng chân, đặt lên 'bàn cân' những bài toán khó giải

Trong chuyến công du châu Âu và dự Thượng đỉnh NATO lần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden sốt sắng sớm đưa Thụy Điển vào 'ngôi nhà chung' bằng nhiều cách, đồng thời nhấn mạnh những cam kết liên quan tới Ukraine.

Từ ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du ba nước châu Âu và dự Thượng đỉnh NATO. (Nguồn: Getty Image)

Từ ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du ba nước châu Âu và dự Thượng đỉnh NATO. (Nguồn: Getty Image)

"Hết lòng" với Thụy Điển

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/7 bắt đầu công du ba quốc gia châu Âu, với trọng tâm là dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Lithuania nhằm thể hiện tình đoàn kết với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN trước chuyến đi, ông Biden kêu gọi sự thận trọng về nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine hiện nay, nói rằng liên minh này có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột do hiệp ước phòng thủ chung của NATO.

Tổng thống Joe Biden nói: “Tôi không nghĩ rằng có sự nhất trí trong NATO về việc có nên đưa Ukraine vào gia đình NATO thời điểm này... hay không”.

Theo ông Biden, việc đưa Ukraine vào NATO bây giờ có nghĩa là tổ chức này cũng đang trong xung đột với Nga theo tinh thần của Điều 5 trong Hiệp ước thành lập NATO.

Bên cạnh đó, ông hy vọng sẽ tận dụng hội nghị thượng đỉnh lần này để gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ phản đối Thụy Điển nỗ lực trở thành thành viên NATO. Việc tham gia tổ chức yêu cầu sự nhất trí từ tất cả các thành viên.

Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 9/7, ông Biden đã “bày tỏ mong muốn chào đón Thụy Điển gia nhập NATO càng sớm càng tốt”.

Tuyên bố cho biết hai nhà lãnh đạo “bày tỏ cam kết chung về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine”.

Văn phòng Tổng thống Erdogan cho biết, ông Erdogan sẽ gặp ông Biden nhân Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius.

Các cuộc đàm phán tập trung vào “vị trí của Ukraine trong NATO, tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16” mà Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ nhận được từ Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Biden cho biết ông đang cân nhắc cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp các máy bay chiến đấu mới hoặc nâng cấp do Mỹ sản xuất để lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý cho phép Thụy Điển gia nhập NATO.

Tuy nhiên, văn phòng của ông Erdogan cho biết “không đúng” khi liên kết mong muốn mua máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn cần được quốc hội phê chuẩn, với nỗ lực trở thành thành viên của Thụy Điển.

Trong cuộc điện đàm, ông Erdogan lưu ý về việc “Thụy Điển thực hiện một số bước đi đúng hướng”, hướng tới phê chuẩn nỗ lực tham gia NATO khi thực hiện những thay đổi trong luật chống khủng bố của nước này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại số 10 Phố Downing vào ngày 10/7. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại số 10 Phố Downing vào ngày 10/7. (Nguồn: AFP)

Mỗi điểm dừng chân, mỗi thông điệp

Điểm dừng chân đầu tiên của ông Biden trong chuyến công du châu Âu dịp này sẽ là ở London, nơi ông sẽ gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại số 10 Phố Downing và Vua Charles III tại lâu đài Windsor.

Ông sẽ thảo luận về môi trường với Vua Charles và cuộc xung đột ở Ukraine với Thủ tướng Rishi Sunak.

Mặc dù đây không phải là chuyến thăm cấp nhà nước với lễ rước xe ngựa và tiệc chiêu đãi trong cung điện, nhưng nghi thức hoàng gia và phông nền của lâu đài 1.000 năm tuổi giúp nhấn mạnh tầm quan trọng của “mối quan hệ đặc biệt” xuyên Đại Tây Dương, từng bị thách thức bởi Brexit nhưng lại được củng cố bởi sự thống nhất giữa hai nước trước cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Julie Norman, đồng Giám đốc Trung tâm Cchính trị Mỹ tại Đại học College London, cho biết: “Việc Ukraine trở thành thành viên của NATO là lĩnh vực mà Mỹ có chút do dự hơn nhiều so với các đồng minh NATO khác. Có thể có một số cuộc thảo luận kín về quan điểm của Anh đối với vấn đề này trước khi tham gia cuộc họp của NATO”.

Mỹ và Anh nằm trong số những quốc gia phương Tây ủng hộ Kiev mạnh mẽ nhất.

Bà Norman cho rằng “Anh đã dẫn đầu về một số cam kết quân sự” và thúc đẩy chính quyền Tổng thống Biden tiến xa hơn về các vấn đề, như xe tăng và nỗ lực quốc tế trong việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.

Theo kế hoạch, tối 10/7, ông Biden sẽ tới Vilnius (Lithuania) và hội đàm với các nhà lãnh đạo NATO trong hai ngày 11-12/7.

Tổng thống Biden và các đồng minh nhắm mục tiêu thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine và cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky biết ông sẽ phải làm gì để Ukraine có thể trở thành thành viên NATO vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Tâm điểm trong chuyến thăm sẽ là bài phát biểu của ông tại Đại học Vilnius vào tối 12/7.

Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng, bài phát biểu sẽ đề cập tầm nhìn của ông Biden về “một nước Mỹ mạnh mẽ, tự tin bên cạnh các đồng minh và đối tác mạnh mẽ, tự tin đảm nhận những thách thức quan trọng", đối với xung đột Nga-Ukraine và vấn đề khí hậu.

Điểm dừng chân cuối cùng của ông sẽ là Helsinki, Phần Lan, để hội đàm với các nhà lãnh đạo của thành viên mới nhất NATO và tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ và Bắc Âu.

(theo Reuters, AFP)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-biden-tham-chau-au-du-thuong-dinh-nato-thong-diep-co-trong-moi-diem-dung-chan-dat-len-ban-can-nhung-bai-toan-kho-giai-234086.html