Tôn vinh hình tượng người mẹ trong nghệ thuật múa

Với hơn 20 tác phẩm ở thể loại nhạc kịch, kịch múa, thơ múa, tổ khúc múa được trình diễn trên các sân khấu lớn, biên đạo múa Tuyết Minh đã cho thấy sự tâm huyết với nghệ thuật múa. Đặc biệt, hình tượng người phụ nữ được xuất hiện nhiều trong những tác phẩm của cô.

"Tính mẫu" trong nghệ thuật múa

Tuyết Minh sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ tuồng. Những năm 1980, khi nghệ thuật sân khấu truyền thống đang ở thời điểm thăng hoa, cô đã được theo bố mẹ rong ruổi trong những chuyến đi công tác, biểu diễn khắp các làng quê, các sân chiếu bóng lưu động. Hầu hết những pho tuồng cổ lúc bấy giờ, cô bé Tuyết Minh đều thuộc các vai mẫu, thậm chí vũ đạo, lối nói, ca từ của từng nhân vật nữ cô cũng thuộc lòng. Cứ thế, tình yêu nghệ thuật ngấm dần trong cô…

Những thủ pháp sân khấu truyền thống, âm nhạc, làn điệu và cả nền tảng văn hóa trong nghệ thuật sân khấu tuồng, chèo đã theo Tuyết Minh trưởng thành, bổ trợ rất nhiều cho cô khi theo đuổi nghệ thuật múa. Hiện tại, Tuyết Minh vẫn đam mê nghiên cứu và tìm nhiều giải pháp để xây dựng những vở kịch múa, vở nhạc kịch hay làm mới những chương trình tôn vinh nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc…

Biên đạo múa Tuyết Minh

Biên đạo múa Tuyết Minh

"Để đi đến đích thì những phương pháp nghệ thuật đương đại, áp dụng công nghệ hay những thể loại, loại hình nghệ thuật mới trên thế giới chỉ là thủ pháp, là phương tiện để góp phần bổ trợ cho hồn cốt dân tộc trong tác phẩm. Tôi yêu văn hóa dân tộc và muốn lưu giữ trong tác phẩm của mình", nữ biên đạo nói.

Đặc biệt, hình tượng người phụ nữ xuất hiện rất nhiều trong sự nghiệp sáng tác của Tuyết Minh. Cô chia sẻ, hình tượng người phụ nữ chính là "tính mẫu", luôn nhắc nhớ ẩn dụ hình ảnh của quê hương, đất nước, là cội nguồn nơi mỗi người được sinh ra, được nuôi dưỡng và che chở. Ở mỗi giai đoạn, khi cảm xúc và nhu cầu hiện thực xã hội đưa lại cho Tuyết Minh dự cảm thấy rằng, tác phẩm của mình nên phản ánh và gửi tới khán giả điều gì thì hình tượng người phụ nữ trong tác phẩm đó sẽ được vẽ lên với những ẩn ý, tư tưởng đó. Còn về ngôn ngữ chuyển tải, hình ảnh người mẹ trong tác phẩm của Tuyết Minh luôn hội tụ những phẩm chất đẹp.

Sáng tác không phải để làm hài lòng tất cả khán giả

Là người có hàng chục tác phẩm xuất hiện trên các sân khấu lớn, Tuyết Minh cho biết cô may mắn có duyên với những vở diễn lớn từ những năm 2000 khi cô sáng tác theo phương thức xã hội hóa nghệ thuật. "Đã đi trên con đường xã hội hóa thì cần phải biết thu vén, tiết kiệm cả về nhân lực và vật lực thì mới mong những vở diễn lớn ra đời trong thực tế kinh tế khó khăn. Khi đời sống của người dân còn thấp, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao, hàn lâm chưa phải là ưu tiên số một. Và khán giả vẫn thường xuyên tiếp xúc với những chương trình đại chúng bởi ở Việt Nam, đa số nghệ thuật tổng hợp xuất hiện nhiều ở các lễ hội, lễ kỷ niệm. Để làm ra một vở diễn quả thật rất vất vả, có khi phải tiết kiệm bằng cách một mình đảm nhận nhiều vị trí trong ê-kip sản xuất", Tuyết Minh chia sẻ.

Nữ nghệ sĩ cho biết thêm, cô không có quan niệm sáng tác tác phẩm là để hài lòng tất cả khán giả, mà sáng tác còn là sự khai mở về thẩm mỹ nghệ thuật cho khán giả. Hoặc ít nhất là khi thưởng thức tác phẩm của mình, thông qua vẻ đẹp của loại hình nghệ thuật đó, khán giả sẽ hiểu, yêu hơn, trân trọng sức lao động nghệ thuật của nghệ sĩ. Và ngược lại, nhờ tác phẩm của nghệ sĩ mà làm phong phú hơn tâm hồn của khán giả, giúp họ yêu cuộc sống, rung động với cái đẹp ở đời.

Chia sẻ về kế hoạch nghệ thuật trong năm nay, Tuyết Minh cho biết, cô đang tập trung hoàn thành 2 kịch bản nhạc kịch và chuẩn bị dàn tập để ra mắt vào mùa thu tới.

Linh An

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ton-vinh-hinh-tuong-nguoi-me-trong-nghe-thuat-mua-20240521150906794.htm