Tôi đến bộ tộc săn đầu người ở Malaysia

Làng văn hóa Mari Mari (bang Sabah, Malaysia) với các bộ tộc mang nhiều nét văn hóa bí ẩn, thu hút tôi cùng hàng trăm du khách quốc tế tìm đến khám phá, trải nghiệm.

Ẩn sâu dưới cánh rừng nhiệt đới xanh mướt ở Kiosom trên đảo Borneo, làng văn hóa Mari Mari là bảo tàng sống độc đáo, là cuộc hành trình ngược thời gian tìm về văn hóa của 5 bộ lạc dân tộc bản địa ở vùng Sabah, gồm Bajau, Lundayeh, Rungus, Dusun và bộ lạc Murut nổi tiếng với tục săn đầu người.

Theo tiếng địa phương, Mari Mari có nghĩa là "lại đây, lại đây". Ngôi làng văn hóa này được xây dựng và tái hiện lại bởi hậu duệ của các bộ lạc. Tại đây, tôi được tham quan những ngôi nhà sàn của người Bajau, nhà dài của người Rungus, trải nghiệm các hoạt động như học cách đánh lửa lửa, ủ rượu gạo, làm bánh, lắng nghe những câu chuyện ly kỳ, ngắm nhìn trang phục ấn tượng...

Theo chân hướng dẫn viên, tôi lần lượt ghé thăm từng ngôi nhà, tìm hiểu về những điểm đặc trưng, lối sống của các bộ lạc. Trong đó, người Rungus vốn nổi tiếng trong việc làm nông, nuôi ong lấy mật. Tôi được người phụ nữ bản địa cho nếm thử loại mật có vị chua nhẹ khá đặc biệt. Cô cho biết hương vị này đến từ loại gỗ mà con ong làm tổ.

Trong đó, bộ tộc săn đầu người là một trong những điều kỳ bí nhất, khiến tôi rất hào hứng, tò mò. Để bước qua lãnh địa của người Murut, trưởng đoàn phải trả lời một số câu hỏi, trải qua thử thách của con trai tộc trưởng mới được đi tiếp. Người đàn ông tỏ vẻ rất nghiêm nghị, căng thẳng khiến tôi vừa sợ vừa buồn cười.

Tiến vào ngôi nhà dài, hướng dẫn viên giới thiệu về cấu trúc ngôi nhà và tiếp tục kể về tục săn đầu người - cách mà bộ lạc Murut dùng để thị uy với những kẻ xâm lược. Sau khi đi săn thành công, chiến lợi phẩm sẽ được treo trước cửa nhà hoặc đặt ở những vị trí trang trọng, tiếp đến, tóc hoặc răng của kẻ thù sẽ được đính lên thanh kiếm nhằm tăng sức mạnh.

Sau khi hòa mình vào điệu nhảy Lasaran truyền thống để ăn mừng chiến công, tôi trải nghiệm vẽ hình xăm miễn phí. Chỉ qua vài phút, hình ảnh biểu tượng văn hóa của cộng đồng Sabah đã nằm gọn trên cánh tay. Người dân trong làng rất hiếu khách, nhiệt tình khiến hành trình tìm hiểu về lịch sử của các bộ lạc vùng Borneo càng thêm sống động, thú vị.

Tại làng Mari Mari, bức tranh văn hóa phong phú được tái hiện, mô phỏng thông qua những màn biểu diễn hấp dẫn, từng chi tiết trên trang phục, vật dụng trang trí, chạm khắc, vũ khí, nhà cửa, chái bếp...

Bên cạnh đó, chúng tôi còn được thiết đãi bằng các món ăn, thức uống đặc trưng của từng tộc người được chế biến thủ công như bánh penjaram, kuih jala, cơm linapak, trà gừng lá dứa pandan...

Sở hữu nhiều nét văn hóa thú vị, độc đáo được tái hiện sống động, làng Mari Mari là điểm đến hấp dẫn du khách. Mỗi ngày ngôi làng đón khoảng 600-800 khách tham quan đến từ nhiều quốc gia.

Linh Huỳnh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/toi-den-bo-toc-san-dau-nguoi-o-malaysia-post1467923.html