Tọa đàm 'Từ Điện Biên Phủ đến Hiệp định Genève, từ chiến tranh đến hòa bình'

Trong khuôn khổ những hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 27/4 tại thành phố Saint Pierre des Corps, ở miền trung nước Pháp, Đại sư quán Việt Nam tại Pháp, phối hợp Đảng bộ Đảng Cộng sản Pháp đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề 'Từ Điện Biên Phủ đến Hiệp định Genève, từ chiến tranh đến hòa bình'

Gần 100 đại biểu dự Tọa đàm "Từ Điện Biên Phủ đến Hiệp định Genève, từ chiến tranh đến hòa bình" đã có mặt tại sự kiện, trong đó có đông đảo sinh viên, kiều bào, đảng viên Đảng bộ tỉnh Indre et Loire và bạn bè Pháp ủng hộ Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu tại sự kiện - Ảnh: Anh Tuấn/VOV

Với phần trình bày của mình, nhà sử học Alain Ruscio đã khái quát về phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945 cho đến sự kiện ký kết Hiệp định hòa bình Genève, trong đó tâm điểm là chiến trường Việt Nam trong những năm 1950, và đỉnh điểm là năm 1954, thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

"Điện Biên Phủ là một khoảnh khắc quan trọng của lịch sử nhân dân Việt Nam. Chiến thắng này là kết quả của một cuộc chiến khó khăn, bắt đầu từ sự đơn độc, bởi ngay từ đầu, những người lính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bị cô lập. Sau đó, diễn biến cuộc chiến đã thay đổi với khái niệm "chiến tranh nhân dân", đây không còn là một cuộc chiến với những binh sĩ chuyên nghiệp mà có sự đồng lòng, hy sinh và quyết tâm của cả một dân tộc"- Nhà sử học Alain Ruscio nói.

Ông Ruscio khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là đòn quyết định dẫn đến việc Pháp phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán để ký vào Hiệp định Genève mang lại hòa bình cho Việt Nam. Đó kết quả của sự kết hợp thành công sức mạnh của lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà sử học Alain Ruscio khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là đòn quyết định dẫn đến việc Pháp phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán để ký vào Hiệp định Genève mang lại hòa bình cho Việt Nam - Ảnh: Anh Tuấn/VOV

Về phần mình, ông Gilles Moindrot- Bí thư Chi bộ Đảng cộng sản Pháp thành phố Saint Pierre des Corps cho rằng, cuộc chiến tranh phi nghĩa này đã khiến hàng nghìn người hai bên phải thiệt mạng, từ nhân dân cho đến người lính Việt cũng như binh lính Pháp.

Ông Gilles Moindrot khẳng định, trận chiến Điện Biên Phủ đã có thể tránh được nếu chính quyền Pháp sáng suốt hơn vào năm 1946, chấp nhận đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh, trao trả nền độc lập cho Việt Nam. Chiến thắng này càng ý nghĩa đặc biệt hơn vì nó không chỉ khiến cho quân đội và chính phủ Pháp thất bại mà họ còn không thể tiếp tục duy trì ách thống trị ở Đông Dương và nhiều thuộc địa khác trên thế giới. »

Đề cập đến chặng đường đấu tranh vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong đó có dấu mốc Điện Biên Phủ lừng lẫy, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đánh giá cao tình đoàn kết quốc tế, nhất là sự ủng hộ không ngừng của nhân dân yêu chuộng hòa bình ở Pháp, dành cho nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và hòa bình.

Đại diện cho giới trẻ Pháp, anh Leonard Lema, Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản thành phố Saint Pierre des Corps bày tỏ chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng cho tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả giữa nhân dân Pháp và Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống cuộc chiến phi nghĩa của thực dân Pháp ở khu vực Đông Dương. Đồng thời, việc ôn lại ký ức lịch sử giúp cho thanh niên hai nước có thêm nhận thức và qua đó, tăng cường đoàn kết cùng nhau hướng về tương lai hòa bình.

"Sự kiện Điện Biên Phủ có một tác động rất lớn đến các phong trào giải phóng dân tộc tại nhiều khu vực. Là một người gốc Nam Mỹ, tôi đã nghe gia đình tôi kể nhiều về những sự kiện này. Đối với bố tôi, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng mang tính biểu tượng. Chúng ta cũng nhìn thấy những điều tương tự tại Algeria và cả ở những nơi mà các dân tộc bị áp bức"- anh Leonard Lema nói.

Chị Nguyễn Hương Giang, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Le Mans xúc động với quá khứ hào hùng của dân tộc - Ảnh: Anh Tuấn/VOV

Xúc động với quá khứ hào hùng của dân tộc và sự ủng hộ của những người bạn Pháp dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chị Nguyễn Hương Giang, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Le Mans, chia sẻ: "Khi đến đây hôm nay, em đã thấy rất nhiều người Pháp, nhiều người Pháp hơn cả người Việt. Em xúc động khi nghe những người Pháp và bạn bè quốc tế công nhận chiến thắng của Việt Nam mình. Em cảm thấy ấm lòng khi họ đánh giá cao về ý nghĩa của chiến thắng này, kết thúc thời kỳ chế độ thực dân. Và qua đó em nhận thức được tầm quan trọng của việc đoàn kết cộng đồng quốc tế và duy trì hòa bình cho tất cả mọi người. »

Tọa đàm "Từ Điện Biên Phủ đến Hiệp định Genève, từ chiến tranh đến hòa bình" một lần nữa khẳng định tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp. Ngày hôm nay, hai quốc gia vẫn đang nỗ lực để đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương ngày càng phát triển, dựa trên sự đoàn kết của toàn thể nhân dân hai nước, sự tôn trọng hòa bình và độc lập.

Anh Tuấn/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/toa-dam-tu-dien-bien-phu-den-hiep-dinh-geneve-tu-chien-tranh-den-hoa-binh-post1092076.vov