Tòa án Pháp tuyên án 30 năm tù cho cựu chỉ huy Liberia

Ngày 27/3, một Tòa án ở Pháp tuyên án 30 năm tù cho cựu chỉ huy phiến quân Liberia Kunti Kamara vì bạo lực chống lại dân thường và đồng lõa với tội ác chống lại loài người trong cuộc nội chiến đầu tiên ở Liberia.

Kamara, 49 tuổi, đã bị kết án tù chung thân trong phiên tòa sơ thẩm ở Paris vào năm 2022.

Tòa án hình sự Paris, sau phiên tòa phúc thẩm kéo dài ba tuần, đã giữ nguyên bản án có tội đối với Kamara vì "các hành vi tra tấn man rợ và vô nhân đạo" đối với thường dân từ năm 1993 đến năm 1994, trong đó có một giáo viên được cho là đã bị ăn tim.

Kamara còn bị bị kết tội đồng lõa với tội ác chống lại loài người vì không ngăn cản những người lính dưới quyền mình liên tục cưỡng hiếp hai cô gái tuổi teen vào năm 1994.

Một bản phác thảo phiên tòa xét xử cựu chỉ huy khu vực của Phong trào Giải phóng Thống nhất Liberia vì Dân chủ (ULIMO) Kunti Kamara với cáo buộc tội ác chống lại loài người, ngày 10/10/2022.(Ảnh: AFP)

Ngày 25/3, công tố đã kêu gọi Tòa án giữ nguyên bản án chung thân đối với Kamara.

Các cáo buộc chống lại Kamara là về những vụ việc xảy ra vào những năm đầu diễn ra các cuộc xung đột liên tiếp - từ năm 1989 đến năm 2003 - khiến 250.000 người thiệt mạng ở quốc gia Tây Phi này.

Cuộc giao tranh được đánh dấu bằng các vụ giết người hàng loạt, hãm hiếp và tra tấn, trong nhiều trường hợp là do binh lính trẻ em bị bắt đi lính thực hiện.

Kamara là chỉ huy khu vực của Phong trào Giải phóng Thống nhất Liberia vì Dân chủ (ULIMO) - một nhóm nổi dậy chống lại Mặt trận Yêu nước Quốc gia của cựu Tổng thống Charles Taylor.

Vụ án chống lại Kamara được đưa ra bởi bộ phận xét xử tội ác chống lại loài người của Tòa án hình sự Paris, sau khi Kamara bị bắt ở Pháp vào năm 2018.

Cơ quan này được thành lập vào năm 2012 để xét xử những nghi phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng bị giam giữ trên đất Pháp, bất kể tội ác của họ được thực hiện ở đâu.

Đây là vụ án đầu tiên được đơn vị này xử lý không liên quan đến vụ diệt chủng Rwanda năm 1994.

Sabrina Delattre, luật sư của tổ chức phi chính phủ Civitas Maxima và 8 đảng dân sự Liberia, ngày 27/3, nói rằng, điều "quan trọng đối với các nạn nhân và các đảng dân sự, những người lần thứ hai đã được lắng nghe và tin tưởng, là có được công lý mà họ không có được ở đất nước của họ".

Cho đến nay, chỉ có một số ít người bị kết án ở chính Liberia vì tham gia vào các cuộc chiến tranh tàn khốc đó.

Hà Mai

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/toa-an-phap-tuyen-an-30-nam-tu-cho-cuu-chi-huy-liberia-423613.html