Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (6-11/5/2024)

ExxonMobil sẽ tiếp tục khai thác dầu khí vào năm 2050; Uniper kháng cáo phán quyết của Tòa án Nga trong tranh chấp với Gazprom; Aramco mua tài sản hàng tỷ đô của Shell ở Malaysia… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.

Hình minh họa

Xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ dự án Gorgon LNG của Chevron tại Australia sẽ bị ảnh hưởng trong tháng này, do nhà điều hành này nỗ lực khôi phục sản xuất từ Train 2, vốn vẫn ngừng hoạt động sau khi gặp lỗi cơ học vào ngày 30 tháng 4. Theo tờ Upstream, có thể phải mất thêm 5 tuần nữa thì dự án hóa lỏng này mới hoạt động hết công suất.

Trong những năm tới, BP phải quyết định xem có nên tiếp tục thực hiện hơn 30 dự án đã được lên kế hoạch trên toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình hay không, CEO Murray Auchincloss nói với Reuters trong tuần này. Kết quả quý đầu tiên mà BP công bố đầu tuần này không trấn an được nhà đầu tư nhiều, bởi ông lớn năng lượng Vương quốc Anh đã bỏ lỡ ước tính thu nhập do giá dầu và khí đốt giảm và nhà máy lọc dầu ở Mỹ ngừng hoạt động kéo dài.

CEO của công ty năng lượng ExxonMobil Darren Woods nói với Yahoo Finance hôm thứ Hai, ExxonMobil (XOM) vẫn sẽ khai thác dầu khí vào năm 2050, nhưng nhiên liệu hóa thạch có thể sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh.

Đầu tuần trước, ExxonMobil đã hoàn tất việc mua lại Pioneer Natural Resources, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực năng lượng Mỹ. Với mức giá 60 tỷ USD, đây được xem là một trong những thương vụ mua lại dầu khí lớn nhất, định hình lại cục diện của ngành.

Shell đã bán hàng triệu tín chỉ carbon ảo, tờ Financial Times của Anh đưa tin vào Chủ nhật (5/5). Công ty dầu mỏ này được cho là đã bán tín dụng thu hồi carbon nhiều hơn mức quy định, và chỉ một nửa lượng CO2 đã hứa thực sự được loại bỏ khỏi khí quyển. Báo cáo đặt ra vấn đề về công nghệ đối với các gã khổng lồ hydrocarbon nhằm làm cho tín chỉ này tương thích với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Cũng tron tuần qua, Shell cho biết họ đã đồng ý bán tài sản nhà máy lọc dầu và hóa dầu ở Singapore - trung tâm dầu mỏ chính của châu Á - cho một liên doanh giữa Chandra Asri Capital của Indonesia và Glencore Asian Holdings. Giá trị của thương vụ không được tiết lộ. Shell cho biết thêm, nếu được cơ quan quản lý phê duyệt, giao dịch dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024.

Ngày 8/5, Uniper đã kháng cáo lệnh của tòa án Nga cho rằng Uniper phải trả số tiền lên tới 15 tỷ USD (14 tỷ euro) nếu họ tìm cách tiếp tục kiện Gazprom, nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính của Uniper trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine.

Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) đầu tuần trước đã chấm dứt các cuộc đàm phán để mua cổ phần của công ty hóa dầu Braskem của Brazil từ công ty kiểm soát Novonor. Vào cuối năm ngoái, gã khổng lồ dầu mỏ nhà nước của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã đề xuất để mua cổ phần của Braskem, trong một lời đề nghị ngụ ý giá trị vốn chủ sở hữu là 2,14 tỷ USD (10,5 tỷ real Brazil) cho Novonor - tương đương với 38,3% cổ phần của công ty Brazil. Lời đề nghị không mang tính ràng buộc từ tháng 11 có điều kiện dựa trên kết luận thỏa đáng về quy trình thẩm định, cùng những điều kiện khác.

Bốn nguồn tin giấu tên nói với Reuters rằng tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Aramco của Ả Rập Xê-út đang đàm phán về khả năng mua lại hoạt động kinh doanh trạm xăng trị giá hàng tỷ USD của Shell tại Malaysia, nơi gã khổng lồ Hà Lan sở hữu mạng lưới gần 1.000 trạm nhiên liệu. Cả Shell và Aramco đều không bình luận về tin đồn các cuộc đàm phán với Reuters. Tuy nhiên, một nguồn tin nói rằng các cuộc đàm phán đã bắt đầu vào cuối năm ngoái và có thể hoàn tất sau vài tháng. Nguồn tin thứ hai nói với Reuters rằng thỏa thuận này có thể trị giá hơn 1 tỷ USD.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tin-hoat-dong-cua-cac-cong-ty-nang-luong-trong-tuan-qua-6-1152024-711015.html