Tìm cách ổn định quan hệ Mỹ- Trung

Ngày 26/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc hội đàm về một loạt vấn đề phức tạp và nhạy cảm với người đồng cấp nước chủ nhà Vương Nghị tại Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP

Trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ (State.gov) đăng phát biểu của ông Vương Nghị tại cuộc gặp rằng, trong vài năm qua, quan hệ Trung-Mỹ đã trải qua những thăng trầm, nhưng đang "bắt đầu ổn định" sau hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden ở San Francisco (Mỹ) tháng 11/2023.

Hai bên đã tăng cường đối thoại và hợp tác trên các lĩnh vực, "Nhưng cùng lúc, các yếu tố tiêu cực trong mối quan hệ vẫn ngày càng gia tăng và đang hình thành", ông Vương nhấn mạnh. Ông khẳng định Trung Quốc "ủng hộ việc tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau", nên yêu cầu Mỹ không "chà đạp lên lằn ranh đỏ" của Trung Quốc về chủ quyền, an ninh và phát triển. "Trung Quốc và Mỹ nên tiếp tục đi đúng hướng để tiến về phía trước với sự ổn định hay quay trở lại vòng xoáy đi xuống?", ông Vương phát biểu.

Theo nhà ngoại giao kỳ cựu Trung Quốc, quan hệ hai nước đứng trước nhiều câu hỏi lớn, yêu cầu sự chân thành, mà cộng đồng quốc tế đang chờ đợi: Nên ổn định tiến về phía trước hay quay trở lại vòng xoáy lao dốc? Nên cùng dẫn đầu hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu và đạt được mục tiêu cùng có lợi cho tất cả, hay tham gia vào sự cạnh tranh và đối đầu hoặc thậm chí rơi vào xung đột để "cùng thua"?

Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định: "Quan điểm của Trung Quốc là nhất quán. Chúng tôi luôn tuân thủ các nguyên tắc do Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra, đó là tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng thắng, đồng thời cam kết duy trì mối quan hệ Bắc Kinh-Washington ổn định, lành mạnh và bền vững".

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng luôn kêu gọi Washington "không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, không kìm hãm sự phát triển và không giẫm lên ranh giới đỏ về chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển" của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Về phần mình, Ngoại trưởng Blinken nói rằng: "Tôi hy vọng chúng ta đạt được một số tiến bộ về các vấn đề mà các lãnh đạo của chúng ta đã nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh ở California".

Ông Blinken nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc nên "làm rõ nhất có thể về những lĩnh vực mà chúng ta có sự khác biệt - ít nhất là để tránh hiểu lầm, tránh tính toán sai lầm". Đây là lần thứ 2 trong chưa đầy 1 năm ông Blinken thăm Trung Quốc. Giới quan sát nhận định, chuyến thăm của ông là nhằm mục đích tìm cách ổn định mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cùng ngày, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong đó nhấn mạnh những nguyên tắc then chốt trong quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng cần giải quyết các vấn đề cơ bản trong quan hệ giữa hai nước để mối quan hệ đó thực sự ổn định, cải thiện và tiến lên phía trước. Trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2024, ông đánh giá mối quan hệ Trung - Mỹ đã trải qua nhiều thăng trầm và có một số bài học quan trọng để chia sẻ.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh và Washington nên là đối tác thay vì đối thủ, giúp nhau thành công thay, tìm kiếm điểm chung và tôn trọng lời nói bằng hành động; đồng thời nhắc lại 3 nguyên tắc then chốt trong quan hệ Trung-Mỹ, đó là tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng thắng.

Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, trong bối cảnh thế giới đang trải qua giai đoạn biến đổi chưa từng có trong một thế kỷ qua với nhiều diễn biến phức tạp và bất ổn, việc Trung Quốc và Mỹ tăng cường đối thoại, tháo gỡ khác biệt và thúc đẩy hợp tác là mong muốn của hai nước cũng như cộng đồng quốc tế.

Trao đổi với Chủ tịch Tập, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò xây dựng trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu, cụ thể xung đột giữa Nga và Ukraine, hay Trung Đông. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết Washington và Bắc Kinh sẽ tổ chức các cuộc đàm phán chính thức đầu tiên về Trí tuệ nhân tạo (AI), để qua đó chia sẻ quan điểm riêng về những rủi ro và mối lo ngại về an toàn và cách thức quản lý AI.

Bất chấp những phát biểu cứng rắn của ông Vương, các quan chức và chuyên gia Mỹ tin rằng ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình là kiểm soát những cơn gió ngược trong nền kinh tế Trung Quốc, và ít nhất trong ngắn hạn, ông Tập đang tìm cách tránh bùng phát xung đột với phương Tây, theo AFP.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tim-cach-on-dinh-quan-he-my-trung-post275352.html