Tiểu thuyết kinh điển truyền cảm hứng cho 'Thiếu niên và chim diệc'

Phim Ghibli vừa thắng giải Oscar hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất lấy cảm hứng từ tác phẩm thiếu nhi kinh điển của Nhật Bản 'How do you live?'.

Lần trở lại này với tác phẩm Thiếu niên và Chim diệc (dịch từ tựa tiếng Anh: The boy and the heron), Ghibli không chỉ chinh phục khán giả toàn cầu mà còn liên tiếp được vinh danh phim hoạt hình xuất sắc tại các giải thưởng như Quả cầu vàng, BAFTA, Annie... và vừa mới đây là Oscar.

Tác phẩm yêu thích của Hayao Mayazaki

Tên phim nếu dịch sát từ tiếng Nhật sẽ là How do you live? (tạm dịch: Người sống ra sao?) - theo đúng tên cuốn sách của Genzaburo Yoshino. Tiểu thuyết này là tác phẩm thiếu nhi kinh điển của Nhật Bản, là cuốn sách đạo diễn Hayao Mayazaki yêu thích từ thuở bé.

Theo The New York Times, đây là cuốn sách thiếu nhi "triết lý và gợi suy tư, giàu tính chỉ dẫn". Tại Nhật, How do you live? gần như là bài tập đọc bắt buộc - hấu hết danh sách đọc mùa hè cho trẻ 13 tuổi đều liệt kê tựa sách này. Tính từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1937 (cũng là năm bối cảnh của câu chuyện), cuốn sách đã bán hơn 2 triệu bản tại Nhật.

 Bìa sách How do you live? bản tiếng Anh. Ảnh: NYT.

Bìa sách How do you live? bản tiếng Anh. Ảnh: NYT.

Cuốn sách hiện chưa có bản dịch tiếng Việt. Bản dịch tiếng Anh cũng mới ra mắt vào năm 2021, sau khi Ghibli thông báo về kế hoạch thực hiện bộ phim hoạt hình cùng tên.

Trong lời giới thiệu viết cho bản dịch của Bruno Navasky, Neil Gaiman nhẹ nhàng chuẩn bị cho độc giả trước bất kỳ thất vọng nào có thể nảy sinh từ quá trình đọc: Ông viết rằng nếu đọc sách lúc bé, "tôi ngờ rằng mình sẽ thấy nó khó hiểu hoặc thậm chí buồn tẻ".

Trong khi hầu hết tác phẩm kinh điển cho trẻ em đều là câu chuyện thú vị điểm xuyết chút triết học, thì tác phẩm này dường như "triết học toàn phần", tập trung vào "triết học của khoa học", với chuyến du ngoạn vào lý thuyết kinh tế hiện đại, lịch sử quân sự Pháp và sự phổ biến phong cách Hy Lạp trong điêu khắc Ấn Độ. Những luận thuyết nhỏ này hấp dẫn theo cách riêng và được giải thích với giọng điệu ngọt ngào, kiên nhẫn.

Triết lý, tình thân trong quá trình trưởng thành

Tuy nhiên, dưới góc độ khác, không có gì hấp dẫn hơn chủ đề thực sự của cuốn sách - câu chuyện về giáo dục. Điều này thể hiện qua những triết lý trong cuộc trao đổi giữa cậu bé tên Copper và người chú chu đáo cậu sống cùng ở ngoại ô Tokyo. Copper và người mẹ phiền muộn của mình đã chuyển đến đây sau khi cha cậu qua đời hai năm trước.

Người chú cho biết tên của Copper lấy từ nhà thiên văn học người Ba Lan Nicolaus Copernicus. Những bức thư mang tính hướng dẫn của chú chiếm ít nhất một phần ba cuốn sách, đối lập với những lời kể thực tế, mô tả ngắn gọn của Copper ở trường. Khi Copper kể lại những sự việc thường nhật tại trường - kết bạn, phản đối giáo viên, né tránh bọn bắt nạt, người chú đã đào sâu vào chiếc túi tri thức không đáy, tìm kiếm ví dụ cho người cháu ở ngưỡng tuổi thiếu niên đang trưởng thành.

Những lời khuyên dạy ấy bao gồm cả chênh lệch lợi ích giữa khách hàng và người bán, thuyết phân tử và nguyên tử; câu hỏi liệu rằng hành động anh hùng của Napoleon Bonaparte có đủ giải thích cho việc ông hy sinh lính Pháp ở Nga; tranh cãi xoay quanh thực hư chuyện quả táo rơi trên đầu Isaac Newton.

Tất thảy điều này thật kỳ lạ, song thực sự cuốn sách không khiến độc giả mệt mỏi, vì Yoshino đã cho những triết lý đó một cội rễ tình cảm. Về sau độc giả sẽ biết chính người cha đã yêu cầu em trai giúp con mình trở thành "một người tuyệt vời" - theo nghĩa "một con người tử tế".

 Tác giả Genzaburo Yoshino từng là giáo sư tại Đại học Meiji. Triết lý trong tác phẩm của ông dung hòa tính ôn hòa của Phật giáo với tình yêu khoa học phương Tây. Ảnh: NYT.

Tác giả Genzaburo Yoshino từng là giáo sư tại Đại học Meiji. Triết lý trong tác phẩm của ông dung hòa tính ôn hòa của Phật giáo với tình yêu khoa học phương Tây. Ảnh: NYT.

Triết lý của người chú, tưởng như những lời ngẫu nhiên, song lại là kim chỉ nam cho người cháu về những giá trị trong cuộc sống. Ngoài ra, đặt trong bối cảnh nước Nhật đang theo chủ nghĩa đế quốc quân phiệt lúc ấy, ta có thể thấy cả tính nhân văn thấm đẫm suy tư của tác giả.

Ghibli từng thông tin rằng bộ phim mới nhất của họ đơn giản chỉ mượn tựa của cuốn sách. Song có thể thấy rằng phim và sách đều chia sẻ một số khía cạnh chính: những thiếu niên lớn lên trong gia đình thiếu khuyết, trên hành trình trưởng thành đi tìm những giá trị sống đã có được chỉ dẫn từ những người thân đi trước.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/tieu-thuyet-kinh-dien-truyen-cam-hung-cho-thieu-nien-va-chim-diec-post1464291.html