Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có bị xử lý như thế nào?

Luật sư cho biết, người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Chân dung các đối tượng Nam, Tuân và Chiến lần lượt từ trái qua phải vừa bị cơ quan công an khởi tố. Ảnh: CQCA cung cấp

Ngày 16/4, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối với các đối tượng Đinh Văn Tuân, SN 2001, ở huyện Nghĩa Lộ, Yên Bái và Nguyễn Trọng Chiến, SN 2000, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội để điều tra làm rõ hành vi cướp giật tài sản.

Ngoài ra, cơ quan công an cũng khởi tố đối tượng Lê Văn Nam, SN 2001, ở phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Trước đó, ngày 31/3, công an tiếp nhận trình báo của 2 phụ nữ ở xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, Hà Nội về việc bị 1 đối tượng cướp giật tài sản vào khoảng 20h cùng ngày tại đường Kỳ Vũ, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm.

Vào cuộc điều tra, công an xác định đối tượng cướp giật tài sản là đối tượng Đinh Văn Tuân. Cơ quan công an làm rõ, vào khoảng 19h cùng ngày, Tuân điều khiển xe máy đi lang thang ở khu vực phường Thượng Cát với mục đích tìm người sơ hở để cướp giật tài sản.

Đến khu vực đường Kỳ Vũ, đối tượng phát hiện 2 người phụ nữ cùng đi trên xe máy, người ngồi sau đang sử dụng điện thoại di động. Thấy vậy, Tuân tăng ga áp sát bên trái và giật chiếc điện thoại, nhanh chóng bỏ chạy về nhà đối tượng Nguyễn Trọng Chiến. Mở rộng điều tra, cơ quan công an đã làm rõ, ngoài vụ cướp trên, Đinh Văn Tuân và đồng phạm Nguyễn Trọng Chiến còn gây ra 5 vụ án khác, trong đó có 4 vụ cướp giật tài và 1 vụ trộm cắp tài sản.

Các đối tượng khai nhận, do quen biết từ trước nên Tuân từ Yên Bái đến nhà ở và rủ Chiến sử dụng xe máy đi cướp giật tài sản. Phần lớn tài sản trộm cắp được, các đối tượng đều bán cho đối tượng Lê Văn Nam. Trước khi bán, Tuân và Chiến đều nói với Nam đây là hàng do trộm cắp mà có. Tuy nhiên, do tham rẻ nên Nam đồng ý mua, sau đó phá khóa điện thoại, khôi phục cài đặt gốc của nhà sản xuất rồi bán lại cho khách có nhu cầu.

Vụ án đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Luận bàn dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong vụ việc này, các đối tượng bị khởi tố về tội “Cướp giật tài sản” là có cơ sở.

Luật sư Nguyên phân tích, khác với tội “Cướp tài sản”, người thực hiện hành vi cướp giật tài sản không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được; mà lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản; hoặc có thể tự mình tạo ra những sơ hở để thực hiện hành vi công khai chiếm đoạt tài sản đang rồi nhanh chóng tẩu thoát.

Cụ thể, theo Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt thấp nhất đối với hành vi cướp giật tài sản là bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trong trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, dùng thủ đoạn nguy hiểm, hành hung để tẩu thoát,... thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Ở đây cần phân biệt hai trường hợp: nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại mà người phạm tội vẫn tiếp tục dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cướp tài sản”; nếu có hành vi hành hung chỉ nhằm mục đích tẩu thoát thì phạm tội “Cướp giật tài sản” với tình tiết tăng nặng định khung.

Đánh giá về hành vi tiêu thụ tài sản do trộm cắp, luật sư Nguyên cũng cho biết, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được hiểu là hành vi tuy không hứa hẹn trước nhưng đã tiêu thụ tài sản mà mình biết rõ là do người khác phạm tội mà có. Đây là hành vi chuyển dịch quyền sở hữu tài sản như bán, trao đổi… tài sản mà mình biết rõ tài sản đó là do người khác phạm tội mà có (mặc dù không hứa hẹn trước). Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Về hình phạt, khoản 1 Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…

Cả hai hành vi chứa chấp và tiêu thụ đều được xử lý chung trong cùng một điều luật và với mức hình phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 15 năm. Ngoài ra tội danh này còn có thể áp dụng hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ nếu hành vi thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tieu-thu-tai-san-do-nguoi-khac-pham-toi-ma-co-bi-xu-ly-nhu-the-nao-377612.html