Tiết lộ bất ngờ về 'tiền thân' của chùa Đồng hiện tại trên đỉnh thiêng Yên Tử

Theo ông Nguyễn Trần Trương – nguyên Trưởng Ban Quản lý Yên Tử (1992 – 2003) thì Phật sử, văn bia và thực tế ghi nhận, ngôi chùa Đồng hiện tại tọa lạc trên đỉnh Yên Tử với độ cao 1068m là ngôi chùa Đồng thứ 4 được tôn tạo và xây dựng. Trước đó, từng có 3 ngôi chùa Đồng lần lượt được hình thành trên đỉnh núi thiêng này.

Đó là một trong những thông tin ý nghĩa được người trong cuộc chia sẻ tại Tọa đàm khoa học kỷ niệm 30 năm đưa chùa Đồng về Yên Tử (28/4/1994 – 28/4/2024) do Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hải Phòng tổ chức. Trong đó, “nhân vật” chính của cuộc hành trình 30 năm về trước chính là ngôi chùa Đồng thứ ba được khánh thành vào ngày 28/4/1994, tức là tiền thân gần nhất của ngôi chùa Đồng hiện tại.

Ngôi chùa Đồng hiện tại tọa lạc trên đỉnh Yên Tử được khánh thành vào tháng 1/2007, là ngôi chùa Đồng thứ 4 được tôn tạo và xây dựng trên đỉnh núi cao 1068m này.

Từng có 3 ngôi chùa Đồng lần lượt hiện hữu trên đỉnh thiêng Yên Tử

Ôn lại ký ức về ba ngôi chùa Đồng kể trên, ông Nguyễn Trần Trương - nguyên Trưởng Ban quản lý Yên Tử (1992 – 2003) cho biết, ngôi chùa Đồng đầu tiên do một bà phi của phủ chúa Trịnh cung tiến vào thời Lê -Trịnh, đến năm Canh Thân (1740) đời vua Lê Cảnh Hưng thì bị hư hại. Sách sử xưa không ghi rõ chùa được tôn tạo vào đời vua Lê chúa Trịnh nào. Tuy nhiên thời Lê -Trịnh được tính từ năm 1545 nên người ta chỉ biết ngôi chùa Đồng đầu tiên này được tạo dựng trong khoảng thời gian từ năm 1545 đến trước năm 1740.

Về kiến trúc thì ngôi chùa này được lợp ngói đồng, chuông, tượng, đồ thờ cũng bằng chất liệu đồng. Tên chữ của chùa là “Thiên Trúc tự” (chùa Thiên Trúc hoặc chùa Cõi Phật), bên trong thờ tượng Phật Tổ Như Lai. Năm Canh Thân 1740, lợi dụng việc gió bão làm bạt mái chùa, kẻ gian đã lên đây tháo dỡ phần còn lại của chùa mang đi, chỉ để lại dấu tích các hố chôn chân cột trên mỏm đá.

Sau đó, ngôi chùa Đồng thứ hai được phục dựng vào năm Canh Ngọ (1930) và khánh thành vào năm Tân Mùi (1931). Ngôi chùa này được vị thủ tự chùa Long Hoa (nay thuộc phường Phương Đông, Uông Bí) tiến hành phục dựng bằng xi măng cốt đồng trên tảng đá vuông cao quá đầu người. Văn bia chùa Đồng thứ hai khắc bằng chữ Hán có đoạn lược dịch: “Chùa Thiên Trúc là một danh lam cổ. Tầng trời có chủ, Viện Trúc gặp Tăng. Vật lớn theo tạo hóa mà tiêu ma. Tâm hướng về núi xanh bền vững.”

Cũng theo ông Nguyễn Trần Trương, ngôi chùa Đồng thứ ba được lắp dựng bên cạnh ngôi chùa Đồng thứ hai. Đây là là công trình do nhà Phật học - Nguyễn Sơn Nam công đức và Thượng tọa (sau là Hòa thượng) Thích Quảng Tùng giúp cho việc chỉ đạo việc thiết kế, thi công, vận chuyển lên đỉnh núi để lắp dựng. Chùa được khánh thành vào ngày 28/4/1994, cách đây vừa tròn 30 năm.

Đến tháng 4/2006, cả hai ngôi chùa Đồng thứ hai và thứ ba đều được hạ giải, nền chùa được nâng cấp để Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh xây dựng ngôi chùa Đồng lần thứ 4 có diện tích hơn 16 mét vuông, do Phật tử trong, ngoài nước công đức, hiện đang tọa lạc trên đỉnh núi Yên Tử.

Hòa thượng Thích Quảng Tùng - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hải Phòng, Trụ trì chùa Phúc Lâm Dư Hàng ôn lại kỷ niệm về việc xây dựng ngôi chùa Đồng thứ 3 trong lịch sử, chùa khánh thành vào ngày 28/4/1994 và tồn tại 12 năm trước khi được hạ giải để xây dựng chùa Đồng hiện tại.

Dấu ấn khó phai về ngôi chùa Đồng thứ ba tọa lạc 12 năm trên đỉnh Yên Tử

Tính từ ngày khánh thành 28/4/1994 đến ngày hạ giải, ngôi chùa Đồng thứ ba do tọa lạc trên đỉnh núi Yên Tử được đúng 12 năm. Mặc dù ngôi chùa này hiện không còn tồn tại và đang được niêm cất trong Phòng quản lý di vật văn hóa của Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, song trong tâm trí của những người đã tham gia vào quá trình xây dựng và đưa chùa lên đỉnh Yên Tử, có dịp chiêm bái ngôi chùa này thì đây không chỉ là công trình nghệ thuật mà còn là công trình tôn giáo có ý nghĩa và sứ mệnh lịch sử lớn lao. Trong đó có Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hải Phòng, Trụ trì chùa Phúc Lâm Dư Hàng.

Theo lời kể của Hòa thượng Thích Quảng Tùng, năm 1990, Hòa thượng đã bàn với một số người, trong đó có ông Sơn Nam (người từng xuất gia với pháp danh Thích Đức Viên), ông Nguyễn Trần Trương (sau này là Trưởng Ban quản lý Yên Tử) rằng dù to hay nhỏ, đã là chùa Đồng thì nên được làm bằng đồng. Khi ấy, ý tưởng phục hồi và xây mới chùa thì có nhưng kinh phí thì không biết lấy đâu ra, ông Sơn Nam không chút đắn đo xin xung phong quyên góp toàn bộ số tiền để xây chùa, ước tính vào khoảng gần 3 tỷ đồng vào thời điểm đó. Nhờ vậy, việc xây dựng chùa có thể bắt đầu được khởi động.

Công trình chùa Đồng thứ 3 từng được trưng bày tại chùa Dư Hàng để trưng cầu ý kiến người dân trước khi đưa lên đỉnh thiêng Yên Tử

Nhớ lại, Hòa thượng Thích Quảng Tùng chia sẻ, ông bắt đầu đi khảo sát trên đỉnh Yên Tử thì còn lại dấu tích một ngôi chùa bằng bê tông nhỏ trên bàn đá to, phía dưới còn lại mấy lỗ vuông của nền móng chùa Đồng cũ. Lúc bấy giờ, ông tính sẽ xây dựng ngôi chùa Đông thứ ba này trên diện tích khoảng 9m2, phá bỏ mấy hòn đá phía trước làm sân. Tuy nhiên có mấy người dân tộc đi cùng bảo phải giữ lại mấy hòn đá này vì ở đỉnh núi thường mưa gió bất chợt, để có chỗ cho mọi người tránh trú. Thế nên phương án xây chùa Đồng với kích thước được làm gọn lại hơn, với ý nghĩa dù nhỏ nhưng mọi người khi leo lên tới đỉnh cao nhất của Yên Tử thấy đúng chùa Đồng thật, không phải chùa Đồng được xây bằng bê tông.

“Tôi nghĩ tới khám thờ Phật tại chùa Phật giáo Hải Phòng rất đẹp, mình chỉ làm bằng ấy thôi. Rồi mời một họa sĩ vẽ hộ ý tưởng thiết kế chùa, sau đó bàn bạc với Giám đốc xí nghiệp đúc đồng Hải Phòng, tính toán bắt tay vào làm. Để hạn chế chiều cao của chùa, thợ làm hoa văn móng chùa theo theo chân quỳ dạ cá quây quanh khu móng chùa Đồng cũ, rồi đổ bê tông mặt bằng móng, các râu sắt chờ luồn vào 4 cột đồng, đợi khi lắp cột sẽ đổ bê tông vào trong cho vững khi gió bão trên đỉnh núi.” – Hòa thượng Thích Quảng Tùng vẫn nhớ như in từng chi tiết về việc xây chùa.

Tiếp dòng hồi ức về quá trình xây dựng ngôi chùa Đồng thứ ba, Hòa thượng Thích Quảng Tùng cho biết, mái chùa được làm khuôn đúc liền khối, phần quanh chùa ghép đồng lá hai mặt, giữa đổ bê tông, phía vỉ ruồi 2 đầu và hậu cung để hoa văn cho thoát gió. Cuốn thư cửa chùa đề 4 chữ Hán: “Thiên trúc Thiền tự”. Phía đầu hồi chùa từ phía dưới lên, Hòa thượng nhờ thợ gò giỏi nhất Hải Phòng gò nổi Đức Phật A Di Đà phóng quang đang đưa tay xuống cứu vớt chúng sinh với ý nghĩa giúp cho mọi người khi đang leo núi mệt mỏi nhìn thấy chùa, thấy Phật đưa tay đón thì mệt mỏi sẽ tiêu tan. Trong chùa thờ phía trên là Đức Phật Thích Ca, phía dưới là tượng Tam tổ Trúc Lâm, dưới cùng là lư hương và bộ tam sự, ngũ sự, tất cả đều bằng đồng.

Cũng theo Hòa thượng Thích Quảng Tùng, sau khi mọi việc từ thiết kế đến thi công đã xong xuôi thì việc đưa chùa lên đỉnh Yên Tử lại gặp phải một số vướng mắc về thủ tục song được các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương hỗ trợ tháo gỡ, kết quả là lễ khánh thành chùa đã diễn ra vào ngày 28/4/1994 trên đỉnh thiêng Yên Tử.

“30 năm một chặng đường, thời gian trôi nhanh quá, từ ngày khảo sát đến ngày khánh thành ngôi chùa Đồng thứ 3 này phải trải qua biết bao gian nan trở ngại mới đưa được chùa về Yên Tử, giờ chùa đã được thay bằng ngôi chùa Đồng thứ 4 to đẹp hơn, khang trang hơn rất nhiều, là nơi tiếp đón Phật tử thập phương. Chúng tôi vô cùng tự hào là những người đi đầu xây dựng được mái nhà tranh để có ngôi nhà ngói như ngày hôm nay.” – Hòa thượng Thích Quảng Tùng bày tỏ.

Việc vận chuyển và xây dựng ngôi chùa Đồng thứ ba trên đỉnh Yên Tử gặp không ít khó khăn

Đặc biệt, ông Nguyễn Trần Trương – nguyên Trưởng Ban quản lý Yên Tử tiết lộ, vì đỉnh núi Yên Tử tọa lạc trên độ cao 1068m, từ dưới lên chỉ toàn đường đất, phải đi qua các lòng suối, khe đá mọc lởm chởm, lối lên chùa từ chân núi lên đỉnh núi chưa được kè bậc đá, dốc mưa trơn trượt. Thời đó chưa có cáp treo và hệ thống tời để đưa nguyên vật liệu từ chân núi lên đỉnh núi như sau này. Việc vận chuyển chỉ nhờ người dân đi bộ trèo núi, mang vác bằng vai rất khó khăn, vất vả; mang được 1 cân cát, cân xi măng lên đỉnh núi không hề đơn giản. Thậm chí nước được dùng để xây dựng là nước mưa được hứng vào bạt rồi trữ trong các thùng nhựa.

Ngày khánh thành chùa, nhiều người bảo, chùa được vận chuyển lên đỉnh Yên Tử bằng…máy bay, Hòa thượng Thích Quảng Tùng xác nhận vui rằng đó là những chiếc máy bay “chạy bằng cơm” của người dân tộc sống quanh vùng.

Một trong những điểm độc đáo của ngôi chùa Đồng thứ ba này là có cấu trúc hình chứ “đinh” theo dáng một bông hoa sen nở, ngự trên sập đồng chân quỳ dạ cá chạm trổ hình hoa sen cách điệu. Mặt trước cửa chùa gồm 4 cột bằng đồng như thể chia chùa thành 3 gian. Hai cột phía trong hình tròn tạc rồng quấn. Hai cột phía ngoài đúc hình vuông, chạm nổi câu đối: “Lịch đại vĩnh truyền đăng Phật Tổ/ Đa niên hiển tích tuệ Như Lai”. Chạy suốt ba gian là một mảng đồng đúc hoa văn hình cuốn thư đề ba chữ: “Thiên Trúc tự” và niên hiệu “Quý Dậu niên trùng tu”. Các đao góc mái đúc rồng hóa phượng mớm. Bên trên bốn tấm góc cổ các chồng diêm có tạo hình "Long, Ly, Quy, Phượng" tượng trưng cho tín ngưỡng Việt Nam. Nóc chùa, hai đầu chạy triện, giữa là hổ phù sen hóa nâng bánh xe pháp thay cho mặt nguyệt với kìm ngậm bờ nóc. Mái đồng được gò nổi ngói mũi hài.

Ông Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ) nhận định vai trò và ý nghĩa lịch sử của ngôi chùa Đồng thứ 3.

Có mặt tại cuộc tọa đàm, ông Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ): "Chùa Đồng được khánh thành năm 1994 không phải ngôi chùa đầu tiên trên đỉnh Yên Tử mà trước đó từng có những ngôi chùa khác được xây dựng nhưng vì nhiều điều kiện mà bị mai một. Ngôi chùa thứ ba này chỉ sau 12 năm đã hạ giải để đi vào lịch sử nhưng lịch sử đó rất đẹp, rất đáng ghi nhận và có ý nghĩa rất lớn, khuyến khích động viên những người sau có thêm tâm huyết xây dựng ngôi chùa Đồng hiện nay to hơn, đẹp hơn, xứng với công đức của tiền nhân và sự phát triển của đất nước."

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiet-lo-bat-ngo-ve-tien-than-cua-chua-dong-hien-tai-tren-dinh-thieng-yen-tu-post574935.antd