Tiếp vụ bức tử sông Đáy: Phát hiện thêm nhiều bãi thải, công trình lấn sông

Sau khi loạt bài 'Sông Đáy đang bị bức tử' được đăng tải trên báo Kinh tế & Đô thị, phóng viên nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về nhiều bãi thải, công trình khác xâm phạm sông Đáy.

Các bãi thải, công trình lấn sông Đáy dễ dàng nhận thấy từ cầu vượt sông Đáy nằm trên Đại lộ Thăng Long (Video do phóng viên Kinh tế & Đô thị ghi lại).

Còn nguyên trạng

Giữa tháng 4/2024, báo Kinh tế & Đô thị đăng tải loạt bài “Sông Đáy đang bị bức tử”, phản ánh tình trạng đổ thải lấn sông Đáy để làm mặt bằng dựng nhà xưởng và cho thuê, xảy ra trên địa bàn xã Đông La và Vân Côn (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội).

Sau khi loạt bài đăng tải, UBND huyện Hoài Đức đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn vào cuộc, tiến hành xác minh những nội dung báo nêu. Phòng Tài nguyên- Môi trường (TNMT) huyện Hoài Đức sau đó đã phối hợp với xã Đông La thực hiện kiểm tra điểm đổ thải trên địa bàn xã. Riêng xã Vân Côn, Phòng TNMT huyện chưa bố trí được lịch kiểm tra.

Một công trình kiên cố lấn hẳn ra ngoài lòng sông Đáy, thuộc địa phận xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, cách cầu 72II chỉ một đoạn ngắn.

Ngay ngày đầu tháng 5/2024, phóng viên Kinh tế & Đô thị tiếp tục tiến hành khảo sát tại các điểm xả thải xuống sông Đáy, thuộc địa bàn xã Vân Côn, được phản ánh trong loạt bài trước đó. Kết quả cho thấy, các bãi thải đều còn nguyên trạng, không hề được xử lý, dọn dẹp. Thậm chí, tại bãi thải khủng lấp nửa dòng chảy sông Đáy còn có dấu hiệu xuất hiện thêm chất thải.

Cụ thể, theo ghi nhận vào chiều 2/5, trên bãi thải này xuất hiện một lượng lớn gạch vụn và trạc thải được tập kết ở rìa ngoài bãi thải, ngay sát dòng sông. Bên trên bãi thải, khu nhà tạm bằng tôn được dựng lên trước đó làm nhà điều hành dự án đã được quây lại, cổng ra vào đóng kín. Bên ngoài có tấm biển ghi thông tin dự án: Công trình nâng cấp, cải tạo đường giao thông thôn Quyết Tiến, thôn Cát Thuế, xã Vân Công.

Bãi thải khủng lấp nửa dòng chảy sông Đáy có xuất hiện thêm khá nhiều trạc thải xây dựng và một số rác thải mới.

Cách khu vực trên chỉ vài bước chân là một bãi tập kết trạc thải, đất đá khổng lồ. Rất nhiều trạc thải, đất đá được đổ thành những đống lớn, kéo dài đến vài chục mét, nằm ngay sát bờ sông Đáy. Trong khi đó, ở hướng ngược lại, một khu nhà xưởng được dựng bằng tôn và khung sắt đã bị phá dỡ, nhiều thanh sắt còn vứt ngổn ngang.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Mầu Văn Luân – Bí thư Đảng ủy xã Vân Côn cho biết, sau khi loạt bài “Sông đáy đang bị bức tử” của báo Kinh tế & Đô thị đăng tải, chính quyền xã Vân Côn đã ra quân xử lý hơn chục công trình, nhà xưởng sai phạm.

Nhiều bãi thải, công trình lấn sông Đáy dễ dàng quan sát thấy từ cầu vượt sông Đáy nằm trên Đại lộ Thăng Long.

Phát lộ nhiều bãi thải, công trình mới

Cũng liên quan đến tình trạng đổ thải lấp sông Đáy, sau khi loạt bài “Sông Đáy đang bị bức tử” được báo Kinh tế & Đô thị đăng tải, phóng viên đã nhận được nhiều thông tin của bạn đọc phản ánh về việc có nhiều điểm thải, công trình xâm phạm sông Đáy vẫn đang còn tồn tại. Trong đó, có hai công trình xây dựng xâm phạm sông Đáy nằm trên chính địa phận xã Vân Côn.

Lần theo thông tin bạn đọc, phóng viên Kinh tế & Đô thị ghi nhận được hai công trình được xây dựng kiên cố, lấn hẳn ra phía ngoài lòng sông Đáy. Một công trình nằm ở cách cầu 72II, hướng xuôi theo dòng chảy sông Đáy chừng hơn trăm mét. Theo quan sát, công trình này được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, vươn ra ngoài lòng sông hàng chục mét, có lan can bằng thép, cổng vào thiết kế cầu kỳ, sơn màu đỏ gạch, bên trong có bức tường cao được ốp đá.

Công trình còn lại là nhà dân được xây móng bằng đá kiên cố, cũng lấn hẳn ra ngoài lòng sông. Bên trên dựng bái tôn, khung sắt. Công trình này nằm cách cầu 72II chừng 500m ngược theo hướng dòng chảy sông Đáy. Quan sát bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận ra công trình trên xâm phạm rất sâu ra ngoài lòng sông.

Ngoài xã Vân Côn, nguồn tin bạn đọc còn cho biết trên địa phận xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai còn có nhiều bãi thải và công trình lấn sông Đáy. Điều đáng nói, những điểm vi phạm này có quy mô lớn lại nằm ngay tại vị trí cách Đại lộ Thăng Long không xa, có thể dễ dàng quan sát thấy khi đi trên tuyến đường này.

Các bãi thải và công trình lấn hẳn xuống lòng sông.

Theo chỉ dẫn của bạn đọc, phóng viên Kinh tế & Đô thị có tại Đại lộ Thăng Long, khu vực cầu vượt sông Đáy, nằm tại địa phận giáp ranh giữa huyện Hoài Đức và huyện Quốc Oai.

Đứng trên cầu, nhìn ngược về phía đầu nguồn sông Đáy, cách cầu chỉ khoảng trăm mét có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều bãi thải tràn xuống dưới lòng sông Đáy. Bên cạnh đó còn cả công trình xây dựng lợp tôn, khung thép, xây tường gạch được xây dựng trên bãi thải, đứng sừng sững trên địa phận dòng sông Đáy. Những bãi thải và công trình này gần như lộ thiên, ai đi qua Đại lộ Thăng Long cũng có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì vẫn tồn tại mà vẫn không có sự can thiệp của chính quyền và lưc lượng chức năng địa phương.

Để làm rõ nguồn gốc của những bãi thải, công trình trên, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã liên hệ làm việc với UBND xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai. Thoạt đầu, nhìn hình ảnh phóng viên cung cấp, ông Hoàng Tuấn Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết, khu vực các bãi thải và công trình lấn sông Đáy này thuộc địa phận thôn Sơn Trung. Tuy nhiên, sau đó ông Sơn cho hay sẽ yêu cầu cán bộ địa chính xã tiến hành kiểm tra, xác minh lại.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tiep-vu-buc-tu-song-day-phat-hien-them-nhieu-bai-thai-cong-trinh-lan-song.html