Tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả

Xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là động lực chủ yếu phát triển kinh tế của tỉnh, những năm qua, Yên Bái đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng các chuyên đề về phát triển công nghiệp, phát triển hạ tầng năng lượng để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sản xuất sứ cách điện tại Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn.

Cụ thể hóa bằng các chương trình hành động và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, từ tỉnh đến cơ sở đều xây dựng nội dung, định hướng phát triển công nghiệp, đưa vào các nghị quyết, quy hoạch, chương trình, kế hoạch của cơ quan, đơn vị, địa phương để cụ thể hóa và triển khai thực hiện, tập trung phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (điện, chế biến nông - lâm sản, khoáng sản…) phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Bằng hướng đi, cách làm đó ngành công nghiệp Yên Bái đã có những bước tăng trưởng khá ngoạn mục. Nhất là tỷ trọng công nghiệp và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh có sự tăng trưởng khá.

Nếu như tỷ trọng công nghiệp năm 2020 mới đạt 19,39% thì năm 2022 đã đạt trên 22,27%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2020 đạt 10,7% đến hết năm 2022 đã đạt 11,74%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh, nếu như năm 2018 mới đạt chưa đầy 10 ngàn tỷ đồng thì năm 2023 này dự ước đạt gần 17 ngàn tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt bằng 100,1% kế hoạch, tăng 8,88% so với năm 2022; chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 109% so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp tăng 4,12%, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng.

Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng ước đạt 1.075,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,3%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 13.520 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 79,9%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng ước đạt 2.210 tỷ đồng, chiếm 13,0%; ngành công nghiệp cung cấp nước, hoạt động và xử lý rác thải đạt 115 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,8%.

Đó là những kết quả được kết tinh từ những chủ trương chính sách, sự năng động sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành nhất là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy là một tỉnh miền núi kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây ngân sách tỉnh đã đầu tư 244,867 tỷ đồng phát triển kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Đã thành lập và lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp Bảo Hưng, Minh Quân, Phú Thịnh 1 và Phú Thịnh 2; bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp Phú Thịnh 3.

Thu hút 4 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư 1.871,4 tỷ đồng; 1 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Trấn Yên với tổng vốn đầu tư 1.864,5 tỷ đồng. Thu hút được 66 dự án có quy mô khá, máy móc tiên tiến hiện đại vào các khu, cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư 10.259,6 tỷ đồng.

Đến nay, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 83,2%, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt 40,4%. Tỉnh đã đưa vào quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp đến năm 2030, đảm bảo đạt chỉ tiêu 2.000 ha đất công nghiệp phía bên hữu ngạn sông Hồng. Đồng thời xây dựng một số doanh nghiệp, cụm liên kết công nghiệp, có quy mô, năng lực cạnh tranh lớn.

Ngành sản xuất chế biến gỗ rừng trồng đã có bước phát triển nhanh, có sự liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, một số sản phẩm chất lượng cao, có thị trường xuất khẩu ổn định; một số dự án chế biến gỗ công nghệ cao đã hình thành và đi vào hoạt động tại khu công nghiệp phía Nam, Minh Quân như: Dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm gỗ và ván lát sàn SPC Thiên Hòa, Dự án nhà máy sản xuất tủ bếp cao cấp Á Châu, Dự án nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất cao cấp Mộc Việt, Dự án nhà máy công nghiệp quốc tế Lâm Phong, Dự án nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất và ván ép Dafu Wood Việt Nam, Dự án nhà máy sản xuất ván lát sàn New Wanli Việt Nam...

Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung vào đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông hoàn thiện, kết nối liên vùng với các dự án trọng điểm với số vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.

Tỉnh phối hợp với các tỉnh lân cận sớm hoàn thành các tuyến cao tốc, đường sắt mới, đường thủy...; hoàn thành hệ thống lưới điện 500kV, 200kV, 110kV theo quy hoạch, đảm bảo mục tiêu 100% thôn bản có điện.

Hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ năng lực cạnh tranh trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn của tỉnh; xây dựng một số cụm liên kết ngành, doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh trong khu vực, đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Ngành công nghiệp Yên Bái đã và đang từng bước chuyển dịch theo hướng từ các ngành công nghiệp sơ chế, chế biến thô, có giá trị thấp sang phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như: sản xuất điện, năng lượng tái tạo, chế biến nông - lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản… Đó là nền tảng để ngành công nghiệp Yên Bái phát triển bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường và trở thành ngành kinh tế chủ lực.

Thanh Phúc

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/305579/tiep-tuc-co-cau-lai-nganh-cong-nghiep-theo-huong-ben-vung-hieu-qua.aspx