Tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn

Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Theo báo cáo thẩm tra của thường UBKT: Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cơ bản đạt được kết quả tích cực, có 10/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt Kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm…Tuy nhiên vẫn còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục như: tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần, chất lượng tăng trưởng kinh tế chậm được cải thiện. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh và đánh mất vai trò động lực chính của tăng trưởng trong khi khu vực dịch vụ chưa chứng tỏ được vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng…

Về Tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, GDP Quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong Quý I từ năm 2020 đến nay. Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/4 đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn 1,81% cùng kỳ năm trước… Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ những khó khăn như tốc độ tăng trưởng GDP Quý I dù cải thiện nhưng chưa có sự đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; Ngoài ra thị trường tài chính, tiền tệ , bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức….

Thường trực Ủy ban kinh tế đề nghị Chính phủ cần: Tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; Khắc phục tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Xây dựng kế hoạch để tổ chức và triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội ban hành, nhất là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Các TCTD…

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tiep-tuc-bao-dam-on-dinh-kinh-te-vi-mo-va-cac-can-doi-lon-221834.htm